Chuyện Xưa Ở Đào Gia Thôn

Chương 34: 34: Nấu Trứng Gà

Lúc rời khỏi Duyệt Lai Phạn Quán thì sắc trời đã không còn sớm.
Đào Tam gia đi tới một nhà bán tạp hóa lâu đời để mua dầu, muối, kim chỉ và đồ gia dụng khác.
Sau đó ông ấy mua chút bút mực và giấy cho Đại Bảo và Nhị Bảo, đều là thứ rẻ tiền nhưng bọn nhỏ vẫn cực kỳ vui vẻ.


Nhị Bảo ôm giấy mực gói kỹ vào trong lòng, không yên tâm đưa cho ai hết.
Hàng thịt vào buổi chiều chẳng còn thịt gì ngon, trên quầy còn mấy miệng thịt thừa được che bằng một tấm vải bóng nhẫy đen sì.


Có rất nhiều ruồi bọ bay vo ve bên trên, đồ tể đang nằm trên ghế dài ngủ gà ngủ gật, trong tay cầm cây quạt phe phẩy.
Đào Tam gia vui tươi hớn hở chào hỏi khiến đồ tể giật mình tỉnh.


“Đại thúc mua chút thịt đi! Nhưng giờ này ngài mới tới thì cũng chẳng còn thịt gì ngon nữa!” Đồ tể vừa dùng cái quạt trong tay phe phẩy đuổi ruồi bọ vừa vén tấm vải phủ lên.
“Chỉ còn mấy miếng này thôi à?” Đào Tam gia hỏi.


“Đại thúc xem lúc nào rồi, thời tiết nóng như này nếu không bán sớm sẽ hỏng.
Ngài lấy hết đi ta sẽ để rẻ cho!” Đồ tể lật mấy miếng thịt trên bàn và nói, “Đại thúc, ngài xem mấy miếng thịt này đều ngon cả!”


Đào Tam gia gật đầu nói: “Đúng là thịt ngon nhưng tất cả đều là thịt nạc, quá gầy không có nước luộc gì, không khiến người nhà đỡ thèm!”
Đồ tể cũng biết nông dân ăn ít thịt nên đều thích mua thịt mỡ chứ không thích thịt nạc lắm.




Lúc này Đào Tam gia chỉ vào một miếng thịt ba chỉ nửa nạc nửa mỡ và hỏi: “Cân miếng thịt này xem nào.”


Đồ tể cầm lấy miếng thịt ước lượng rồi nói: “Đại thúc, miếng này hơn một cân một chút.” Sau đó ông ta lấy cân ra cân xong mới đáp: “Một cân một lạng, đại thúc, ta tính cho ngài một cân thôi! Nhưng miếng này cũng không đủ cho người một nhà ăn, nếu không ngài xem mấy miếng khác đi, ta cũng muốn bán xong và đóng quầy sớm!”


Đào Tam gia nhìn nhìn chỗ thịt nạc còn lại và hỏi: “Có còn xương ống không?”
Đồ tể nhanh chóng lôi một cái thùng từ dưới bàn ra, bên trong đựng xương cốt, trên đó đã róc hết thịt, “Đại thúc, ngài mua hết chỗ này đi ta tính rẻ cho, lại tặng thêm một miếng gan heo ngài thấy sao?”


Đào Tam gia gật gật đầu thế là đồ tể nhanh chóng tính tiền.
Trường Phú bỏ thịt vào sọt và đắp ít cỏ lên.
Đồ tể vui tươi hớn hở đưa một miếng gan heo to qua rồi nhận tiền và nói với Đào Tam gia: “Đại thúc đi nhé! Lần sau tới sớm chút là sẽ có thịt ngon!”
Đào Tam gia gật đầu.


Đồ cần mua đã mua đủ, lúc này Đào Tam gia mang theo con cháu đi về nhà.
Tới đầu thị trấn thấy có người bán hàng rong đẩy một cái xe con bán đồ trang sức nho nhỏ thế là Đào Tam gia dừng lại mua cho Nữu Nữu một đóa hoa lụa màu hồng nhạt hết 10 văn tiền.


Đại Bảo và Nhị Bảo la hét đòi tự đi về nhưng Đào Tam gia nói: “Mấy đứa vừa đi vừa nghỉ như thế thì mai mới về tới nhà mất.”


Đại Bảo và Nhị Bảo quả thực đi không nổi, cẳng chân tụi nó như đeo mấy bao cát nặng vì thế tụi nó cũng không kiên trì mà đồng ý để người lớn cõng.
Vì thế Trường Phú cõng Đại Bảo và Tam Bảo, Trường Quý cõng Nhị Bảo và Tứ Bảo, còn Đào Tam gia cõng đồ linh tinh cùng đi về nhà.


Lý thị đã làm xong cơm chiều và để đó.
Trương thị thì vội vàng đun nước tắm, Lý thị lại cho lợn ăn, Lưu thị cho gà ăn.
Chờ mọi việc xong xuôi thì mấy người thay phiên nhau tắm rửa.


Nữu Nữu lại hưởng thụ trải nghiệm bơi lội xa hoa một mình trong chậu tắm, lúc cảm thấy mỹ mãn rồi thì được Lưu thị ôm ra.
Lý thị bưng cơm chiều lên nhưng chưa vội ăn, dù sao bọn họ cũng tranh thủ hóng mát và chờ mấy người Đào Tam gia về cùng nhau ăn.


Lưu thị bưng một bát cháo trắng đưa cho Nữu Nữu thế là cô nhóc ngoan ngoãn lấy thìa múc từng miếng ăn.
Nhưng mỗi thìa cháo trắng phải có thêm một miếng củ cái muối, hoặc cải bẹ hoặc dưa chuột thái.


Nữu Nữu múc một thìa cháo rồi nhìn chằm chằm Lưu thị thế là Lưu thị phối hợp gắp cho nàng một miếng đồ ăn nhỏ bỏ lên trên.
Lúc này đứa nhỏ mới cười tủm tỉm và ăn hết.


Nếu Lưu thị không gắp đồ ăn cho nàng thì nàng sẽ dùng ánh mắt sợ hãi nhìn chằm chằm mẹ mình và cầm cái thìa không nói lời nào.
Lưu thị thấy thế thì lòng mềm nhũn tan thành nước, tay vội vàng gắp một miếng đồ ăn bỏ lên thìa.


Lý thị móc ra một quả trứng gà luộc giống làm ảo thuật và đưa cho Nữu Nữu.
Đứa nhỏ cực kỳ vui vẻ nhận lấy và cất vào túi mình.


“Ai u, bảo bối của bà đúng là giống con chuột, còn biết để dành đồ ăn cơ đấy.” Lý thị vui vẻ nói, “Trứng gà ăn với cháo là ngon nhất, để lát nữa ăn không sẽ bị nghẹn đó.”
Nữu Nữu ngậm cái thìa và chớp mắt với Lý thị sau đó mới nói, “Trứng gà để phần cho ca ca ăn!”


Trương thị trêu ghẹo: “Tiểu Nữu Nữu cho nhị thẩm ăn với, sao chỉ nghĩ tới ca ca là thế nào?!”
Nữu Nữu vươn tay nhỏ che trở trứng gà, trong lòng đấu tranh nửa ngày mới móc trứng gà ra đưa cho Trương thị, “Nhị thẩm ăn đi! Lần sau phần cho ca ca cũng được!”


“Hô hô, Nữu Nữu thật ngoan!” Trương thị vui vẻ ôm lấy Nữu Nữu hôn một cái nhưng vì động tác quá lớn nên quả trứng trong tay Nữu Nữu rơi xuống đất.
Nữu Nữu cầm cái thìa, miệng há thành hình chữ O, mắt nhìn quả trứng gà nhanh chóng lăn trên mặt đất một vòng mới dừng lại.


May mà trứng đã luộc nên chỉ có vỏ ngoài bị rạn.
Trương thị buông Nữu Nữu ra vừa cười vừa nhặt trứng gà.
Nhặt xong nàng ta xoa xoa bụi và đưa cho Nữu Nữu, “Nữu Nữu, là nhị thẩm không tốt, ngày mai nhị thẩm lại nấu cho cháu một quả trứng gà nhé!”


Nữu Nữu đón lấy quả trứng gà đầy vết rạn và gật đầu đồng ý!
Lý thị nghiêng mặt liếc Trương thị một cái rồi cười mắng: “Con còn muốn sinh con gái cơ đấy, với cái tính tình hấp tấp này của con thì sớm hay muộn cũng dạy con gái thành con khỉ, thấy cây là bò lên!”


Mẹ chồng nàng dâu mấy người cười ha hả.
Đây là lúc giữa hè, trời sáng lâu thế nên lúc Đào Tam gia, Trường Phú và Trường Quý về nhà thì màn đêm cũng mới buông xuống.


Trong sân có đặt xô nước phơi một ngày nên ấm áp vừa phải, Đào Tam gia cùng con cháu nhanh chóng rửa tay rửa mặt rồi vào nhà ăn cơm.
Trên bàn đặt một nồi cháo đậu xanh bí đỏ to, cái này vừa ngọt ngào vừa giải nhiệt, quả thực thích hợp với ngày hè.


Ngoài ra còn có một âu dưa chuột trộn, một âu cải bẹ xào và một bát củ cải muối cắt nhỏ.
Sau khi ăn cơm xong Đào Tam gia đưa bạc cho Lý thị quản lý, ngoài ra cũng đưa cả dầu, muối và những thứ khác.


Lý thị nhận xong lại mang thịt và xương cốt tới nhà bếp dùng muối ướp sau đó để vào một cái hũ ngâm trong nước giếng thế là không cần lo ngày mai đồ ăn sẽ hỏng.
Trương thị đun một nồi nước tắm thật to cho người nhà tắm.


Đi họp chợ một ngày khiến người ai cũng nhễ nhại mồ hôi, chờ bọn họ tắm rửa xong người một nhà lại ngồi ở sân trước hóng mát.
Đêm nay ánh trăng vừa to vừa tròn, sáng như đèn dầu.


Nữu Nữu vui mừng rạo rực, lại còn rung đùi đắc ý bởi vì trên đầu nàng là một đóa hoa lụa màu hồng nhạt.
Trước khi ăn cơm nàng đã tắm rửa, tóc đã sớm khô nên Lưu thị lâp tức chải cho nàng một búi tóc rồi cắm bông hoa kia lên.


Nó còn to hơn búi tóc của nàng, Nữu Nữu kích động chạy đuổi theo anh trai và hỏi: “Ca ca, đẹp không?”
Đám Đại Bảo không ngừng gật đầu mà Nữu Nữu cũng hỏi đi hỏi lại không biết mệt mỏi.
Lưu thị phe phẩy quạt hương bồ và cười nói: “Xem con đắc ý kìa, hỏi mãi không thôi.”


Nữu Nữu đắc ý lắc lắc đầu, ai biết hoa lụa theo đó rơi xuống luôn, búi tóc cũng tan mất.


Nữu Nữu cảm thấy đỉnh đầu buông lỏng, bản thân còn chưa kịp hiểu chuyện gì thì Lưu thị đã nhặt hoa lên và vuốt tóc nàng vài cái sau đó nói, “Để nương cất hoa lụa đi, hiện tại tóc con ngắn quá, chờ tới tết tóc mọc dài lại đeo hoa lụa nhé?”


Nữu Nữu gật gật đầu và móc ra một quả trứng gà đưa cho Đại Bảo, “Đại ca, huynh mau bóc trứng gà đi rồi cùng ăn!”


Đại Bảo đón lấy quả trứng gà nhanh chóng lột vỏ rồi đưa cho Nữu Nữu, chờ con bé cắn một miếng rồi hắn mới đưa cho Tứ Bảo, sau đó là Tam Bảo và Nhị Bảo, cuối cùng mới là chính mình.
Một quả trứng gà nho nhỏ mà mấy đứa cắn mấy lần mới ăn xong.


Lý thị sợ tụi nó nghẹn nên bưng chén nước ngồi ở bên cạnh chờ, thấy đứa nào ăn xong một miếng là đưa nước tới.
Đào Tam gia thì kể chuyện hôm nay họp chợ, tuy tiền thu được cũng không nhiều nhưng người một nhà vẫn vui vẻ mặc sức tưởng tượng đến cuộc sống giàu có sung túc..