Chương 1

Nữ tắc Lý gia có dạy, trong nhà phải hiếu thuận mẹ cha, yêu thương hòa nhã với đệ huynh tỷ muội, bản thân phải tự biết rèn giũa công dung ngôn hạnh, học tề gia và nữ công gia chánh, tinh thông điêu luyện hết cầm kỳ thi họa. Từ nhỏ Liên Cẩm đã lấy lời gia huấn đó làm tôn chỉ của mình, dù không phải am tường tất cả nhưng những thứ có thể học nàng đều chăm chỉ làm theo.


Là thứ nữ trong một gia đình thương nhân, tuy không coi trọng đích thứ như những nhà thư hương danh gia vọng tộc, nhưng sự phân biệt và đối xử kì thị giữa các thiếu gia tiểu thư không ít cũng nhiều. Mẹ ruột Liên Cẩm cũng là thứ nữ của Trần gia, ông ngoại nàng là Trần học sĩ, tuy khinh thường thương nhân nhưng lại chấp nhận gả nữ nhi sang Lý gia để lấy của hồi môn cho nhi tử nhà mình lên kinh ứng thí.


Cả cuộc đời mẹ nàng từ khi sinh ra đã vậy, tất cả mọi thứ trong nhà đều dồn hết cho đại huynh Trần Ban giùi mài kinh sử, đến cuộc hôn nhân của chính mình cũng là đểđổi lại một lần vung tay mời bè bạn tạo mối quan hệ chốn kinh thành. Khi ở nhà đã vậy, xuất giá rồi bà cũng chẳng thoải mái là bao. Trên có phu nhân và ba thiếpthất làm mình làm mẩy, dưới có hai thiếu gia và đại tiểu thư dòng chính hách dịch chẳng coi ai ra gì, khom mình nhẫn nhịn đã thành quen, đến khi sinh bệnh ủ rũ trong phòng cũng không ai lui tới.


Những nữ tắc nàng vẫn ghi tạc hằng ngày một phần là do chính tay mẹđêm đêm chỉ dạy, bà tuân thủ nó cả đời nhưng đã bao giờ có phút giây nào hạnh phúc hay thoải mái. Liên Cẩm vẫn nhớ ngày mẹ mất, nàng ở bên bà suốt một đêm, nghe bà nói những điều còn trăn trở. Bà mong nàng sẽ tìm được một phu quân hiền lành yêu thương, không cần phải giàu sang phú quý, chỉ cần trong lòng có mình nàng, cả đời ấm cúng bên nhau. Bà mong nàng không cần phải gồng mình làm theo khuôn khổ hay chịu sự ép buộc của gia đình, muốn đi cứ đi, muốn làm gì cứ việc, điều bà hối tiếc nhất đời này là ngày ấy nghe theo gia đình gả tới Lý gia.


Bà nói rất nhiều, nàng cũng khóc rất nhiều, vừa khóc vừa vâng vâng dạ dạ. Nàng không muốn như bà, sống khổ sở cả đời đến bữa cơm cũng không được ăn cho thỏa dạ. Nhưng nàng biết, điều bà muốn không phải chỉ là ăn no, bà vẫn mong có một người cùng bên bà san sẻ, yêu thương chiu chắt những đau khổ ngọt bùi. Cha nàng không làm được điều đó, mà có lẽ chính ông cũng không muốn làm điều đó.


Lý Liên Cẩm năm nay vừa tròn mười bảy tuổi. Đại tỷ cùng tuổi với nàng là Lý Diệu Cẩm năm nay đã ôm con được gần hai tháng. Ở Quý Châu, nữ tử mười sáu tuổi đã bắt đầu được người ta để ý dạm hỏi, đa số kéo dài đến năm mười bảy tuổi thì đã là gái lỡ thì. Liên Cẩm cũng từng có hai mối tới đặt lời, hai mối này suýt chút nữa khiến nàng phải bỏ nhà trốn hôn. Nhưng không biết xui rủi thế nàohay là mẹ nàng trên trời linh thiêng phù hộ, tất cả các mối đều tan từ bọng trứng.




Nàng nhớ người đầu tiên tới dặm hỏi là Triệu tam công tử nhà Triệu bổ đầu ở huyện nha. Tam công tử này nhiều năm đèn sách, người ta nói một mai nếu thi đậu học sĩ là có thể vươn mình lên làm Huyện lệnh. Lý lão gia từ trước tới nay vẫn thích làm thân với với giới học thuật. Ngày trước ông kết thân với nhà ngoại nàng một phần cũng là vì tin tưởng cậu nàng sẽ có ngày thi đậu thành tài. Thời gian đó Lý Phúc vẫn đối xử rất tốt với mẹ nàng, dần dà khi cậu nàng thi năm lần vẫn trượt, Trần gia từ từ suy bại, khi đó ông mới bực bội ngoảnh mặt làm ngơ.


Nói đến Tam Triệu công tử, trong một lần nàng và nhị tỷ lên chùa Bảo Phúc cầu may, giữa đường xe ngựa bị long bánh chao đảo, không cách nào đi tiếp được. Cứ nghĩ phải xin nhờ tá túc ở nhà ven, không ngờ đúng lúc có Tam Triệu công tử lên chùa hỏi bài Tịnh đại sư ngang qua, hắn mới cho hai người đi nhờ một đoạn. Nữ tử chưa xuất giá ngồi cùng xe ngựa với nam tử khác đã là chuyện không hay, nhưng nếu không làm vậy, nàng cũng không biết phải làm sao về nhà. Suốt cả đoạn đường nàng không nói câu nào, thỉnh thoảng bên tai lại vang lên tiếng cười của nhị tỷ và người đó, có vẻ vô cùng tâm đầu ý hợp.


Nhưng chuyện đời khó đoán, mấy ngày sau nhà họ Triệu sai bà mối tới cửa cầu thân, người được hỏi cưới lại là Liên Cẩm nàng. Nàng nhớ đã từng nghe Uyển Nhu, người bạn thân từ lúc cùng học nữ tắc thuở lên năm kể về những đối tượng trong thành không được lấy làm phu. Trong đó có Triệu Tam công tử. Nàng ấy nói, Tam công tử mang trong mình mơ ước lớn khát khao lớn về ngày đỗ tú tài, tuy nhiên làm người ắt hẳn phải có lúc lười biếng ham chơi, công tửthường xuyên vì học hành mệt mỏi mà lạc bước vào Cẩm tú lầu hay Đại Tài các chuyên bài bạc. Không ít lần đi vào hào nhoáng đi ra sứt mẻ, có khi công tử còn dắt về mấy thiếp thất và vô số thông phòng.


Ngày hôm đó nàng vội vàng chạy tới thư phòng của cha, khóc lóc cầu xin được bỏ qua mối nhân duyên này, chờ thêm năm nữa mới bắt đầu xuất giá. Nhưng Lý Phúclại đuổi nàng ra khỏi cửa, cấm túc trong viện suốt bảy ngày. Ngay lúc Liên Cẩm đang chuẩn bị đồ đạc bỏ trốn tìm dì ruột của mình ở Vinh Phù thì lại được thả ra, cả phủ đang bận rộn chuẩn bị lễ cưới cho nhị tỷ và Tam công tử. Nàng ngỡ ngàng hồi lâu mới biết, hóa ra nhị tỷ phải lòng Tam công tử giỏi giang học thức từ ngày ấy cho nên đã gửi thư hẹn mời. Giữa đêm trăng thanh gió mát, hai người tư tình thành đôi, hai nhà không còn cách nào đành phải chuyển mối hôn sự sang người tỷ tỷ.


Liên Cẩm đau khổ thở dài một hơi, không biết chuyện đó là phúc hay là họa. Hai tháng sau ngày cưới, nhị tỷ bù lu bù loa chạy về nhà mẹ đẻ kể khổ với bà Ba. Nàng nghe bà Ba khuyên bảo: "Nam nhi đại trượng phu ai cũng có lúc ham chơi, chờ thêm dăm ba năm nữa tính tình trầm ổn lại, con cố đôn đốc học hành, ắt có ngày thành danh lập nghiệp". Nàng không biết nhị tỷ có chờ được đến ngày Tam công tử áo gấm về làng hay không, nhưng mà ngày nàng bị hai mươi ba tì thiếp trong nhà leo đầu cưỡi cổ đã sớm hiện ra trước mắt.


Người ta nói quả không sai, đầu xuôi thì đuôi lọt. Mối đầu tiên đã thế, người tiếp sau chỉ có hơn chứ không hề kém. Người thứ hai có ý với nàng là Đinh đại thiếu gia con nhà Đinh thương nhân bán muối. Người này cũng nằm trong danh sách không được tới gần của Nguyễn Uyển Nhu. Tuy không vương nữ sắc như Tam công tử nhưng hắn lại là người không chí hướng chẳng mục tiêu, suốt ngày chỉ biết ăn và ngủ. Gia đình ba đời vốn đã là thương gia, nhưng nghe đại thiếu gia này hay nói, nhà mình có gốc gác tổ tiên với quan nhất phẩm kinh thành, cháu bên bà cố nội của Trịnh tướng quân nổi tiếng và là em vợ chắt ngoại cùng ông tổ với Đại học sĩ trong triều. Dòng dõi vô cùng tôn quý.


Đinh đại thiếu gia người cũng như tên. Mục tiêu lớn nhất đời mình có lẽ là giảm được cân nặng và có thân hình thon thả cao ráo như cây đinh dài đóng gỗ. Hôm đó, Liên Cẩm đứng sau rèm trúc nhìn ra, xét về chiều cao, khi ngồi xuống đầu chưa vượt quá thanh ngang dựa ghế nhà nàng, xét về cân nặngthì vẫn chưa đủ sức làm sập ghế, nhưng mà phần chỗ bị chiếm cũng không dư lại bao nhiêu.


Đinh gia chuyên cung cấp muối cho cả Quý Châu nhưng lại chuyên tiêu thụ thịt của lò Hồ lão. Công việc mỗi sáng của Đinh đại thiếu gia là đến nhà Hồ lão chọn lựa, thịt heo nạc, thịt heo phay, thịt xay, thịt mỡ,... Buổi chiều sẽ đến Ẩm thực lâu, ăn vài ba món thịt rồi dặn dò nô tài mang về cho đầu bếp trong phủ làm theo. Còn về chuyện làm ăn trong nhà, từ lâu Đinh đại thiếu gia đã nhường cho em mình là nhị thiếu gia đứng ra quản hết, mình sẽ có thêm thời gian để nghiên cứu về sự nghiệp ẩm thực rộng lớn vô biên.


Lần thứ hai Liên Cẩm khóc lóc chạy tới xin Lý lão gia bỏ qua hôn sự, và cũng lần thứ hai nàng về phòng chuẩn bị leo tường bỏ trốn. Nàng sẵn sàng gả cho một người làm nông, sáng hôm chăm chỉ cày bừa chứ không muốn về làm vợ một người chỉ biết ăn rồi ngủ. Nhưng tới lúc nàng bỏ chạy ra đến tận cổng thành,nha hoàn A Loanlại vội vàng đuổi theo gọi báo, Đinh đại công tử đột nhiên lâm bệnh nặng, cả nhà họ Đinh ngay lập tức đưa hắn tới kinh đô Vinh Phù chữa bệnh, hôn sự này không cần bàn tới nữa.


Sau hai mối nhân duyên không thành, Lý gia bắt đầu vào đợt kinh doanh cận Tết, chuyện hôn sự cũng tạm gác qua một bên, chờ sang năm rảnh rỗi mới lấy ra bàn tiếp. Hôm nay đã là hai mươi tháng chạp, gần kề với lễ mừng năm mới, khắp thôn cùng ngõ hẻm đều tổ chức tiệc mừng, mọi người tụ tập vui chơi ăn uống. Nhân dịp lễ tất niên nhà họ Phạm, Lý phu nhân cho phép nàng và Tứ muội theo lão gia cùng đi góp mặt.


Tiệc tất niên ở Phạm phủ có sự tham gia của tất cả những người có máu mặt ở Quý Châu, không phân biệt thương nhân, tướng sĩ hay văn sĩ. Phạm gia vốn là thương nhân bán đồ sắt nổi tiếng cả Quý Châu, mấy đời gắn bó với nghề, còn mở ra một tuyến đường buôn đồ sắt từ Quý Châu tới tận kinh thành. Tuy nhiên đến đời này của Phạm học sĩ, ông lại có đam mê với sách vở văn chương hơn là làm nghề. Sau ba lần mới thi đậu học sĩ, bây giờ Phạm gia chính thức chuyển mình từ tầng lớp thương nhân sang văn nhân, người người nể trọng.


Có lẽ Phạm học sĩ vẫn nhớ tới những bạn bè từng kề vai sát cánh với ông cha mình trong những ngày thương nhân bị chèn ép xưa kia, cho nên lần này, lễ mừng năm mới nhà ông cũng là bữa tiệc đầu tiên ở Quý Châu có cả thương nhân và văn sĩ cùng góp mặt. Một dịp với đầy đủ anh tài hội tụ cũng chính là lúc chọn mặt gả chồng tiêu chuẩn nhất.


Và cũng chính ngày hôm đó, nàng gặp được nam tử khiến đời mình chuyển hướng, thay da đổi thịt.






Truyện liên quan