Chương 14-1: Lòng dạ kẻ làm tôi rực sáng núi thiêng Tam Đảo

Giống Rồng
Tác giả: Nguyễn Khai Quốc
Hồi thứ mười bốn
Phủ Phong Châu, Triệu Cường mưu đảo chính
Huyện Gia Ninh, kiến nhỏ gặp mưa rào
Chương 14.1 Lòng dạ kẻ làm tôi rực sáng núi thiêng Tam Đảo


Vừa đi tới Bạch Hạc, Cao Văn Trác đã lớn tiếng gọi Triệu Cường muốn mặt giáp mặt để nói chuyện. Triệu Cường nghi ngờ họ mưu kế của Sĩ Giao muốn Văn Trác trá hàng hòng lấy lại châu Phong nên sai người chuyển lời tới họ Cao.


Văn Trác nhận lời Cường đóng quân cách thành Bạch Hạc hai mươi dặm về phía nam có bãi đất rộng, bọn dân miền núi thường xuyên đi qua để tới Tống Bình. Văn Trác xin cấp lương, họ Triệu tới dạm ý Thăng Hùng, Hùng lúc nào cũng nhe răng cười rồi gật đầu đồng ý.


Triệu Cường lầm lũi quay trở về phủ, trong đầu không ngừng nghĩ về họ Vương và tên Cao Văn Trác kia. Cường tự nhẩm với bản thân “Cái tên mặt giặc Thăng Hùng, lúc nào cũng tỏ ra ngờ nghệch mà tâm địa hiểm ác chẳng ai bằng. Họ Cao đó ta sẽ phải thử lòng dạ hắn thế nào?”


Triệu Cường quyết định cấp lương hạng hai cho lính của Cao Văn Trác và ra thêm điều kiện rằng Trác phải đánh dẹp quân lính đang đóng ở châu Nam Từ để lập công trạng dâng tấu lên họ Vương phong thưởng.


Cường ra ý rằng lấy được huyện thành Thái Bình là thành Đào Lâm và châu Nam Từ, lương thảo tự khắc sẽ đủ mà chẳng phải xin cấp thêm.




Văn Trác nhận lời mang binh lập tức tới thành huyện Thái Bình lừa viên quan huyện ra khỏi thành chiếm được huyện Thái Bình. Hai ngày sau, Trác dẫn binh tới châu Nam Từ không mất một binh tốt, Nam Từ châu mục dâng thành lên cho Trác.


Tin từ Nam Từ, Thái Bình báo về khiến Chí Liệt lòng nóng như lửa đốt liền sai binh lính các trại xung quanh hai vùng đó tập hợp sáu nghìn binh tới hỏi tội Văn Trác. Chí Liệt cử ba tướng Hà Bình Xuyên, Phạm Đan, Lương Trình Đắc tới để dụ hàng Văn Trác nhưng không được.


Văn Trác dẫn quân châu Phong đóng ở các chỗ hiểm yếu khiến quân đội của Chí Liệt không thể tiến được đành phải lui về Vũ Bình.


Tướng Lương Trình Đắc cùng với Hà Bình Xuyên mang một trăm binh kỵ đêm tối ập vào cửa thành Đào Lâm. Quân lính Đào Lâm chống trả quyết liệt bắt sống được Lương Đình Trắc, Hà Bình Xuyên chạy được ra ngoài đứng trước đội quân hùng hậu của Cao Văn Trác mà chửi mắng Trác là tên thất phu, ăn ở hai lòng.


Trác giương cung bắn ra mũi tên trúng đầu ngựa của Bình Xuyên. Bình Xuyên rút mũi tên khiến ngựa rống lên thảm thiết rồi quất ngựa chạy về phía nam. Văn Trác đuổi được năm dặm thì sai quân lính về thành.


Triệu Cường nhận tin họ Cao đó đuổi được giặc, bắt sống được tướng Lương Trình Đắc lấy làm mừng rỡ. Trình Đắc bị giải tới nhà lao thành Bạch Hạc, Triệu Cường lập tức ra thành đón Cao Văn Trác vào thành, khao Trác một bữa no nê, uống rượu say bí tỉ.


Thăng Hùng nghe đám cận hầu bẩm có tướng dũng mãnh trước phá quân Tống Bình sau lại bị Dương Chí Liệt trách phạt mà đem quân hàng Phong Châu, lập được công lớn. Hùng dâng thư tới họ Triệu ý muốn Cao tướng quân cầm quân lính châu Phong đánh dẹp mối họa Tống Bình đã đóng quân phía đông Tam Đái suốt hai tuần nay.


Họ Triệu thuận ý của Vương Thăng Hùng liền phong cho họ Cao chức thống soái tiên phong, lãnh ba nghìn hàng binh cùng hai trăm kỵ binh tiên phong phá giặc họ Quách, họ Thi đang nhăm nhe.


Cao Văn Trác được phép ra vào thành Bạch Hạc, sắp sửa binh mã, lương thảo, quân khí và không quên cho người đi dò la tin tức của họ Liêu và Gã Quỷ.


Trong quân lính của Cao Văn Trác có một người tên Doãn Kiên uống rượu say ở quán rượu gần ngục giam trong thành. Trời xẩm tối, hắn bước ra ngoài quán rượu nói bèm nhèm về việc Văn Trác tới châu Phong có ý đồ giải cứu Đỗ Tồn Thăng đang bị bắt nhốt. Đám sai nha nghe thấy liền báo cho viên bổ đầu họ Lại. Lại Sử Văn biết được sai đám sai nha đó bắt về giải đến phủ họ Triệu.


Triệu Cường nhìn hắn lấm lét liền vung kiếm lên dọa nạt, Doãn Kiên xỉu ngay. Cường hắt nước lạnh vào mặt Kiên, hắn tỉnh lại liền khai hết:


- Bẩm Triệu tướng quân. Cao Văn Trác kia khi đầu được Đỗ quân sư cử đi cùng Hà Bình Xuyên đóng binh mã ở phía nam thành Bạch Hạc để đón đánh quân châu Phong khi quân châu Phong chạy qua. Nhưng sau này quân của Hàn Ước đánh từ phía đông nam truy sát quân châu Phong tới thành Bạch Hạc thì hai người đó mang quân ra đánh họ Thi khiến họ Thi phải rút quân về Hoài Đức. Đỗ quân sư sai người trách tội hai người đó. Hà Bình Xuyên dẫn quân về Vũ Bình, còn Cao Văn Trác tức giận liền mang một nửa đạo binh đó tới châu Phong để đầu hàng tướng quân. Hà Bình Xuyên là kẻ tiểu nhân, sau khi trở về hắn còn kể tội của Cao tướng quân khiến Dương chủ tướng nổi giận lôi đình mang quân đánh huyện Thái Bình và châu Nam Từ do Cao tướng quân mới chiếm lại.


Triệu Cường nghe Doãn Kiên thuật lại bỗng trong lòng cảm thấy nhẹ tênh, ngụm một tách trà, quết một miếng vôi trắng lên chiếc lá trầu không, Triệu Cường bỏm bẻm nhai rồi suýt soa:


- Lá trầu cay hắc lại có vôi mát dịu, quả là thứ đáng được thưởng thức trên đời. Phải không Doãn Kiên. Nhà ngươi muốn ta thưởng điều gì?
Doãn Kiên dập đầu nhận lỗi:


- Xin tướng quân bớt giận. Phận tôi tướng đã không tròn bổn phận lại uống rượu say, xin tướng quân cứ trách phạt theo quân pháp. Tiểu nhân không dám nhận công thưởng.
Triệu Cường nhìn Lại Sử Văn rồi phá lên cười. Lại Sử Văn chỉ dám nhìn rồi che miệng cười khẽ, Lại Sử Văn nói với Doãn Kiên:


- Triệu đại nhân đang vui, nhà ngươi còn không tạ ơn đại nhân.


Doãn Kiên vái thêm ba vái liên miệng nói đa tạ Triệu Cường đã tha tội. Kiên đứng dậy bước lùi ra mặt không dám ngẩng lên nhìn họ Triệu và viên bổ đầu họ Lại. Vấp phải bậc cửa, hắn ngã ngửa ra ngoài, lộn mấy vòng lăn quéo ra sân lát đá xanh. Đầu sưng ụ to rồi hắn xộc xệch chạy ra ngoài phủ.


Doãn Kiên cúi đầu chạy thục mạng trong bóng tối va trúng ngựa của Toán Minh Trù làm họ Toán mất thăng bằng phải nhảy xuống ngựa. Họ Toán mặt dữ dằn khiến Doãn Kiên hoảng sợ, họ Doãn ngước mắt nhìn lên hoảng hồn lắp bắp:
- Xin quan gia tha mạng. Tiểu nhân có mắt mà như mù. Xin quan gia tha mạng.


Minh Trù trông thấy vẻ mặt đáng thương của Doãn mà trong đầu nảy ra ý trêu đùa Doãn. Họ Toán cầm chiếc gậy tầm vông đặt trên vai hắn dọa nạt:


- Cái tên bợm rượu nhà ngươi. Nhà ngươi có biết bây giờ là canh mấy rồi hay không mà đi lại ngoài đường. Quân tình đang có biến, lệnh cấm khắp thành mà nhà ngươi vẫn còn ở đây nồng nặc mùi rượu. Khai mau ngươi là lính của ai?
Doãn Kiên run rẩy đáp:


- Xin gia gia tha mạng. Con vừa ở trong phủ Triệu gia đi ra, tiểu nhân là lính của Cao tướng quân. Ngày nay Cao tướng quân cho các quân lính được ăn uống tự do để ngày mai đánh một trận ra trò. Tiểu nhân quá chén nên bị Triệu gia bắt về hỏi tội.


- Lệnh cấm uống rượu trong quân mà họ Cao đó dám để cho các ngươi say mèm ra như vậy. Không lẽ hắn muốn rơi đầu hay sao. Mau mau đưa ta đi tới gặp họ Cao đó.


Doãn Kiên mắt nhắm mắt mở, bước chân thậm thọt lê lết trên đường. Minh Trù trông bộ dạng họ Doãn thấy tức mắt thi thoảng lai dùng tầm vông đánh trúng vai của Doãn.


Đi ngang qua Vương phủ, Doãn Kiên đứng lại chỗ gốc cây bàng nôn thốc nôn tháo vì trúng gió sau cơn say. Minh Trù ánh mắt khinh bỉ chốc chốc lại quát mắng Doãn Kiên nhưng họ Doãn chẳng màng để ý đến. Bỗng có tiếng người ngựa nườm nượp đi tới vây kín họ Toán cùng tên bợm rượu.


Họ Toán trên mình ngựa quát mắng đám quân lính:
- Các ngươi không có mắt hay sao mà dám rút kiếm bao vây gia gia?
Lại Sử Văn từ đâu chạy tới xua đám sai nha, mặt nghiêm nghị nói với Minh Trù:
- Toán quan gia. Đang đêm tối không biết ngài cùng tên bợm rượu đó đi đâu?


- Ta đi tới gặp họ Cao kia, hắn dám để quân lính dưới trướng uống rượu say sưa đến độ như tên kia. Chẳng phải coi thường quân pháp hay sao.


Họ Lại đi một vòng quanh chỗ Toán Minh Trù đứng rồi ra lệnh đám sai nha bắt cả hai người đó giải vào lao ngục. Họ Toán chống cự luôn miệng hỏi tay bổ đầu họ Lại nhưng họ Lại đều bỏ ngoài tai.


Họ Toán được giam trong phòng giam bí mật, bàn ghế giường chõng đủ đầy lại có người cơm bưng nước rót đến tận nơi. Trong khi đó, Doãn Kiên bị nhốt vào nhà lao tăm tối ẩm mốc, họ Doãn bị nhốt cùng phòng giam với Gã Quỷ.


Liêu Đức Thinh sau vài ngày thân tàn tạ trong ngục đã tỉnh táo trở lại nhận ra Doãn Kiên. Thấy Kiên bị bắt giam trong cơn say nên đợi tới khi trời gần về sáng, Kiên thấy trong cổ họng cháy rã tỉnh lại mơi hỏi Kiên:


- Doãn Kiên, không phải nhà ngươi là phó tướng cho Cao Văn Trác mà nay lại bị bắt nhốt vào đây? Phải chăng đã có chuyện gì không hay xảy ra với họ Cao đó?
Doãn Kiên chán nản, mặt buồn rầu, rên rỉ:


- Cái tên tham ác họ Cao đó. Chỉ vì hắn ngu dốt nên mới ra thế này. Kể ra thì dài lắm, giờ hắn đang nghe lệnh họ Triệu, ngày mai mang ba nghìn anh em đi làm khiên chắn cho bọn người châu Phong. Nghĩ thì thật là không làm sao cho nguôi cái cơn giận này được.


Gã Quỷ mở mắt nghe hai người đó nói chuyện mà người lay lay khiến đám cỏ khô khẽ động. Gã Quỷ cất lời khiến Doãn Kiên giật mình:
- Cái tên tiểu tử nhà ngươi. Khát nước phải không? Có chút nước mưa ta hứng mãi từ đêm qua đến giờ mà nhà ngươi lỡ uống hết.


Doãn Kiên lùi ra sau không dám nhìn Gã Quỷ, thi thoảng lại liếc sang nhìn trộm Gã mà đầu óc hoảng loạn. Liêu Đức Thinh trấn tĩnh hắn:
- Là Tồn Thăng tướng quân, người mà ta cất công tới châu Phong để tìm kiếm đó.


Doãn Kiên bấy giờ trấn tĩnh trở lại, quay ra nhìn mặt Gã Quỷ nhưng chưa hết vẻ mặt kinh hãi cúi chào Gã Quỷ:
- Dương Diện hộ sư quân tướng là ngài? Tiểu nhân đã đắc tội. Xin tướng quân thứ tội cho tiểu nhân có mắt mà không thấy núi cao.


Gã Quỷ nhìn hắn với ánh mắt thèm thuồng thứ gì đó đang có ở trong hắn. Họ Doãn thở gấp vì lo lắng khiến Gã Quỷ càng nhìn hắn một cách trìu mến hơn đến lạ.


Gã hít hít hơi men mà đã từ rất lâu Gã chưa được ngửi, Gã vỗ mạnh vào lưng Doãn Kiên khiến Kiên dúi mặt xuống dưới bùn đất khai khai. Gã cười khà khà:


- Cái hơi men này như khiến ta bừng tỉnh. Nhà ngươi uống rượu quán nào mà mùi men nồng nặc, khiến ta nhớ đến vò rượu khi trước ta cùng gã Hỏa Cước Tốc uống trong thành Bạch Hạc.


Họ Doãn ngồi kể lại đầu đuôi mọi chuyện từ khi họ Cao dẫn binh tới nạp cho họ Triệu đến khi Doãn Kiên vì bực tức mà đi uống rượu bị bắt nhốt vào trong nhà lao này.


Nói chuyện hồi lâu, Đức Thinh bàn bạc với hai tên lính bị nhốt cùng phòng giam tìm cách vượt ngục trong lúc quân châu Phong bị Hàn Ước tấn công.


Sáng sớm ngày sau, Triệu Cường tới nhà lao tìm gặp Doãn Kiên rồi cho thả hắn về doanh trại. Ba người đó lấy làm bất ngờ, trước khi ra khỏi ngục tù, Kiên nói lời cáo biệt hứa với Liêu Đức Thinh và Gã Quỷ sẽ tìm cách để giải thoát cho hai người bọn họ.


Doãn Kiên được đưa về tận trại lính phía đông thành Bạch Hạc. Cùng với Cao Văn Trác, Doãn Kiên phò giúp họ Triệu hội đủ ba nghìn binh và hai trăm kỵ mã đến trước bờ sông Tam Đái dâng nén nhang thơm lên đất trời châu Phong, đội quân hừng hực tiến lên một cách dũng mãnh đầy khí thế.


Lúc bấy giờ, quân đội triều đình sau nhiều ngày chờ đợi quân châu Phong, Quách Thôi lòng vui mừng vì quân châu Phong đã tự nộp mạng cho họ Quách. Quách Thôi tự mình dẫn tám nghìn binh chia làm hai ngả tạo thế gọng kìm hòng bắt giết toàn bộ đội quân của Văn Trác.


Mặc dù số binh mã của Văn Trác chưa bằng một nửa số binh của Quách Thôi nhưng quân lính của Quách Thôi chưa đánh đã bị hoảng loạn, đứa nào đứa nấy sợ sệt khi thấy một kẻ hùm beo dũng mãnh như Văn Trác. Đội quân thứ hai của Quách thôi lại chậm trễ tiến quân tới điểm tập kết khiến quân triều đình dễ dàng bị đánh bại.


Khí dũng dâng cao, Văn Trác cùng hai trăm lính kỵ truy sát đội quân Tống Bình về tới lũy thành đất Mê Linh.


Quách Thôi phải cố thủ ở trong lũy đất chờ quân tăng viện từ Tống Bình. Sau hơn hai ngày cố thủ, quân lính Tống Bình tiếp tục được tăng viện thêm bảy nghìn binh mã, Hàn Ước phong Thi Nguyên làm tiên phong, Quách Thôi làm trung lang tướng mang binh mã đánh thẳng tới châu Phong, quyết một trận quét sạch Bạch Hạc.


Thi Nguyên nghe trong quân đứa nào đứa nấy đều sợ hãi họ Cao liền ra ý khích tướng “Họ Cao kia trước là một môn sinh của sư phụ ta, nhiều phen bị ta dùng thừng trói lại để sự phụ ta xử tội. Mặc dù khí chất oai dũng nhưng tính tình nóng nảy, chỉ là một tên thất phu hữu dũng vô mưu không đáng để chúng ta phải run rẩy như những con rùa rụt đầu như vậy. Nay ta mang ý dụ của Hàn sứ quân, quyết quét sạch đám quân nổi loạn châu Phong, thu đất nam về một mối.”


Ý chí sục sôi, sĩ khí quân lính lên cao, Quách và Thi hừng hực khí thế mang binh mã ra khỏi lũy ấp đánh vào trại binh của họ Cao. Quân tiên phong của Văn Trác chống cự quyết liệt nhưng sức quân không sao chống được đội quân nhiều hơn mấy lần.


Đại quân của châu Phong do Triệu Cường chỉ huy đánh vào cứ điểm Mê Linh từ hai ngả thủy bộ. Hai bên giao tranh giành giật từng tấc đất.


Khói lửa binh đao suốt hơn một tháng, quân đội châu Phong chiếm được nhiều phần lợi thế hơn buộc Hàn Ước phải rút thêm một đội quân từ Lục Châu một vạn binh mã đi từ huyện Ninh Hải qua đất huyện Bình Đạo đánh thẳng vào Mê Linh.


Tướng quân người Giang Nam tên là Chu Huyền nhận lệnh mang đội binh mã Lục Châu bắt sống được hai phó tướng của Cao Văn Trác là Doãn Kiên và Lục Đàn Ức. Quân châu Phong rơi vào thế hoảng loạn, quân lương cũng dần cạn. Văn Trác bị mất đi hai phó tướng đắc lực nên sinh ra buồn rầu u uất.


Triệu Cường đã nhiều lần thúc giục họ Cao thu quân nhưng Văn Trác vẫn đau đáu trong lòng cứu huynh đệ đang ở trong tay quân Tống Bình. Biết tin Văn Trác không chịu lui binh, Thi Nguyên mang một đội quân tới trước cửa trại la lối om sòm khiến Văn Trác tức giận mang binh mã ra đối chiến trực diện.


Hai bên giao chiến với nhau dũng mãnh, người cầm gậy Đầu Long, người cầm mác dài giao chiến với nhau hơn ba mươi hiệp, quân lính của Thi Nguyên giết được hơn nửa số quân do Cao chỉ huy.


Văn Trác bỏ chạy đi thẳng lên phía bắc mà không trở về Bạch Hạc. Thi Nguyên cho người truy sát Văn Trác đến núi Tam Đảo. Đường lên núi quanh co, lại có nhiều thú dữ nên Thi Nguyên sai quân lính bao vây các lối mòn dưới chân núi.


Đêm xuống, Thi Nguyên sai người hạ trại thì bỗng từ trên núi có thứ âm thanh nghe inh tai, đầu óc nhức nhối. Thi Nguyên ngờ ngợ âm thanh kỳ quái đó sai lính lấy cỏ vò nhỏ nhét vào tai. Bọn quân lính nói chuyện với nhau bằng cử chỉ tay chân hoặc phải hét lên thật lớn.


Canh hai, sương giáng, lửa cháy phập phùng đột nhiên phụt tắt. Từ phía trên núi một làn tên bắn xuống hạ gục hết loạt đội quân của Thi Nguyên. Thi Nguyên tai áp mặt đất nghe tiếng thình thịch thúc vào tai choàng dậy mặc giáp mũ cầm Đầu Long Bổng cưỡi ngựa chạy thục mạng về phía nam.


Quân lính hoảng loạn giẫm đạp lên nhau tháo chạy. Lửa cháy sáng rực cả núi Tam Đảo như ánh nắng rọi từ mặt đất chiếu lên.






Truyện liên quan