Chương 11: Thời đại lạc hậu

Hoàng cung Hoa Lư,
Thành Nội,
Dưỡng Tâm điện,


Sau khi bồng Ngô Nhật Hoa vào phòng ngủ nghỉ ngơi lại dặn dò cung nữ chăm sóc cẩn thận. Đinh Liễn đi ra Thư phòng. Nơi đây đã được thái giám đốt lên chậu than to để sưởi ấm. Vị thái giám này tên là tiểu Kim, người của hắn cài vào Hoàng cung bấy lâu nay. Hiện tại, chính thức đi theo hầu hạ hắn.


Bóng đêm ngày đông xuống mau, trời càng thêm trở lạnh, nơi đây sát núi gần sông nên cái lạnh cũng thêm khắc nghiệt.


Trong trí nhớ của Đinh Liễn kiếp trước, hoàng cung Hoa Lư có diện tích 300 ha bao gồm cả núi đá, sông hồ Sào Khê - một nhánh của sông Hoàng Long. Chia làm ba phần: thành nội, thành ngoại và thành nam. Các khu thành này đều được bao quanh bởi các dãy núi đá vôi - gọi là bức thành thiên nhiên.


Ở giữa các dãy núi được nối lại bằng các đoạn tường thành gạch. Các đoạn tường này làm bằng gạch nung, độ dày gần nửa mét. Địa thế rất hiểm trở, dễ thủ, khó công. Lại có các con đường bộ và đường sông, tiến lui đều dễ dàng.


Thành Nội là nơi đặt cung Thái Hòa để làm việc, Dưỡng Tâm điện và Dưỡng Thân Điện, Tẩm cung là nơi các hoàng hậu ở. Sau lưng dựa núi Phi Vân, bên trái có núi hang Muối, phía trước lệch phải là núi Yên Ngựa, có hồ nước Sào Khê bao quanh, phía xa là núi Hang Quàn, dãy Ghềnh Tháp, bên trái là núi cột cờ, có đường thông ra sông Sào Khê và đi Thiên Tôn.




Thành Nội và thành Ngoại được nối liền với nhau bằng một cửa quèn Đốt. Thành Ngoại có diện tích lớn hơn thành Nội. Là nơi cho bách quan và hoàng tộc ở. Đinh Liễn và gia đình cũng ở nơi này. Địa thế ba mặt giáp núi, một mặt giáp sông Hoàng Long. Nơi đây cũng đặt Nhà kho Quốc Khố của triều đình.


Phía Nam là thành Nam, chủ yếu là đặt doanh trại Ngự lâm quân. Ngự lâm quân cũng còn có tên là Thiên Tử Quân. Nơi đây nối thẳng ra thành Tràng An. Dân cư, chợ búa cũng được giao dịch ở đây.


Tràng An có diện tích hơn 12.000 ha. Hoàng cung trong đó đã hơn 300ha. Khu Tam Cốc - Bích Động rộng 350 ha, Khu dân cư kinh đô Tràng An chiếm hơn 2.000 ha, số diện tích còn lại vẫn rừng rậm, đầm lầy, núi non chưa được khai thác.


Cả kinh đô bị bao quanh bởi bốn con sông là sông Hoàng Long, sông Chanh, sông Hệ, Sông Bến Đang. Ngoài dân Kinh đô thì xung quanh có 20 xã. Các xã này vừa sản xuất nông nghiệp, vừa làm thủ công nghiệp phục vụ cho Hoàng cung và kinh đô như làng gốm, làng xây dựng, làng dệt vải, làng đúc tượng, làng rèn sắt, làng chài...


Đường bộ ở đây 99% là đường đất, chỉ có trong hoàng cung mới có đường lát gạch. Đường rộng nhất cũng chỉ khoảng 5m. Mùa đông mưa phùn hay mùa hạ mưa rào rất lầy lội bùn đất.


Kiến trúc ở Hoàng cung thì phần lớn là nhà cấp 4. Gọi là Điện chứ thiết kế như chùa, như đền vậy thôi. Mỗi điện cũng chỉ có năm đến mười gian phòng làm bằng gỗ, cao từ năm đến mười hai mét. Dân kinh đô nói riêng và dân các nơi nói chung đều ở nhà tranh, vách đất.


Đến tận những năm 90 của thế kỷ XX Đinh Liễn vẫn còn thấy một vài gia đình ở nông thôn sử dụng. Tường làm bằng hỗn hợp bùn đất và rơm rạ. Mái có khung bằng tre hoặc gỗ, lợp rơm hoặc cỏ tranh.


Tài nguyên gỗ, đá thì có nhiều đấy, có sẵn khắp mọi nơi nhưng do sự lạc hậu về công cụ khai thác và phương thức sản xuất nên cuộc sống sinh hoạt của nhân dân rất cực khổ. Đồ bằng sắt, gang cũng có nhưng khá hiếm, thép thì chưa từng xuất hiện.


Nhà Tống cấm xuất khẩu đồng, sắt nên công cụ cũng không phổ biến. Gỗ có bạt ngàn nhưng khổ nỗi khai thác khó khăn. Hiện thời vẫn chặt bằng rìu gang, rìu sắt, chưa xuất hiện thứ gọi là cưa hay các công cụ chế biến gỗ. Đá có sẵn nhưng khai thác cũng rất hạn chế do không có thuốc nổ, bằng tay hay đục sắt thì đào không nổi.


Để chứa lúa, thóc, ngũ cốc hay nhà kho, Đinh Bộ Lĩnh phải tận dụng các hang đá. Thế cho nên nơi đây có rất nhiều hang như :Hang Muối, Hang Địa Linh, Hang Sinh Dược, Hang Mây, Hang Tối, Hang Sáng, Hang Nấu Rượu, Hang Núi Cơm, Hang Vồng, Hang Láng, Hang Ao Trai, Hang Trống, Hang Bói, Hang Mo, Hang Cò, Hang Trâu, Hang Hũ ngoài, Hang Hũ trong, Hang Chợ... Thử nghĩ mà xem, đến vua còn sống như thời nguyên thủy thì dân chúng khổ như thế nào.


Thời này ăn mặc chất liệu cũng chỉ là vải đay, vải bố, vải sợi chuối, vải tơ sen. Vải tơ lụa cũng có nhưng chỉ có vua, hoàng tộc, và quan lại mới có để mặc vào dịp đặc biệt như lễ hội, vào chầu. Đối với dân thường thì đó chỉ là món hàng xa xỉ phẩm.


tr.a xét kí ức của kiếp này và đọc các tài liệu để ở thư phòng Đinh Liễn thở dài ngao ngán. Sự chênh lệch cuộc sống hai kiếp quá lớn khiến cho hắn càng hoài niệm về cuộc sống hiện đại. Tuy thời hiện đại có nhiều áp lực nhưng chất lượng cuộc sống quá tốt. Hắn nhớ các món ăn, hắn nhớ các nhà hàng, quán bar, karaoke, khu vui chơi giải trí, các khách sạn, resort...


Lúc đó mình thấy quá bình thường, giờ có sự so sánh mới thấy cuộc sống hiện đại sướng như tiên. Có lẽ tiền nhân cũng không thể hiểu nổi tại sao các món ăn tiến vua, nem công chả phượng thì trẻ con hậu thế ăn cũng không nổi chứ đừng nói là ngon.


Thở một hơi trọc khí đầy sương trắng, hắn lấy hai tay day day huyệt. Thôi. Trở về không được vậy phải tiếp tục mà sống. Bằng quyền lực và địa vị của mình hắn có thể cải tạo lại sinh hoạt. Cho dù không bằng kiếp trước thì cũng đỡ hơn phần nào.


Đinh Liễn đứng lên, bước ra phía cửa sổ, hé mở nhìn ra ngoài. Lúc này, Hoàng cung Hoa Lư vẫn thắp đuốc sáng trưng. Nơi nào đó còn văng vẳng tiếng khóc than của những người góa phụ. Nơi khác thì vang lên tiếng cầu xin của cung nữ, thái giám đang bị tr.a khảo. Lâu lâu lại nghe tiếng hổ gầm ghê rợn.


Ngự lâm quân vẫn tr.a xét mọi nơi nhằm tìm kiếm hoạn quan Đỗ Thích. Nơi nào đó, vài bóng đen tụ lại thì thầm to nhỏ. Nơi khác thì người ra kẻ vào chuẩn bị vật liệu cho lễ đăng cơ ngày mai và lễ tang sắp tới...


Đêm nay thật dài với nhiều người. Có người chờ mong hoan hỷ, có kẻ buồn bã ưu sầu. Có người mặt cười hưng phấn, có kẻ lo lắng bất an. Người vốn là động vật cảm tính, suy nghĩ luôn hướng đến sự rối rắm. Có những việc thật đơn giản lại suy nghĩ thành phức tạp. Có những sự việc phức tạp lại suy nghĩ cho nó phức tạp thêm.


Quyền lợi, địa vị, danh vọng, sắc đẹp, vốn là biểu tượng của Phúc phần, là kết quả của nhân duyên hội tụ, là quà tặng hồi đáp của Khí vận quốc gia mà nay lại trở thành một thứ thuốc độc nhấn chìm bao kẻ tham lam.


Vì quyền lợi, người ta sẵn sàng đạp đổ mọi ranh giới đạo đức. Vì địa vị người ta sẵn sàng phản bội người đã nâng đỡ mình. Vì tiền tài người ta sẵn sàng đâm sau lưng chiến hữu. Vì chữ tình người ta sẵn sàng hạ độc trượng phu...


Không cứ thời hiện đại hay thời cổ đại, lòng người vốn là như thế. Tham, sân, si, mạn, nghi (*) luôn là thứ độc dược khiến lòng người mê loạn, đánh mất chính mình. Có chăng, thời hiện đại là thời của pháp chế, có sự ràng buộc mạnh mẽ của luật pháp khiến cho con quái vật bản năng và những toan tính âm u trong lòng người bị áp chế.


Thời đại này, luật pháp chưa có, xã hội còn hỗn loạn tưng bừng, con người cũng không kiêng nể gì cả, muốn cái gì thì ra tay đoạt cái đó. Kẻ mạnh làm Vua, kẻ thua mất hết. Tính dã man của một thời đại chưa khai hóa thật trực tiếp, chính là cái gọi Luật rừng. Đinh Liễn trầm ngâm suy nghĩ.


Cũng may quá trình dung hợp thần hồn và thân thể gây ra dị tượng quá hoành tráng vô tình thu phục những kẻ trung dung, tạm thời trấn áp những kẻ ác ý. Ta cũng vì thế mà đăng cơ thuận lợi.


Đêm nay, những kẻ ấy chắc chắn sẽ mất ngủ, bất an và lo lắng. Sơ hở của chúng chắc chắn là từ Đỗ Thích nên kẻ này kiểu gì cũng bị thủ tiêu để bịt đầu mối. Sau đó, chúng sẽ bịa ra lý do gì đó đổ tội cho kẻ này và xóa sạch dấu vết.


Tiếp đến chúng sẽ án binh bất động, chờ thời cơ mưu đồ Đông Sơn tái khởi. Nếu không nhanh chóng tiêu diệt, e rằng ta chẳng có đêm nào ngủ ngon. Chỉ có một ngày bắt trộm chứ nào có ngàn ngày phòng trộm?


Xem ra, ngày mai nhân lễ đăng cơ, ta phải chủ động xuất kích, đánh cỏ động rắn, dẫn xà xuất động. Chỉ cần dồn chúng vào thế loạn quyền, loạn cước mới có cơ hội tóm gọn, tiêu diệt.
---
P/s:


Đoạn miêu tả về Hoàng Cung Hoa Lư là tác đã căn cứ vào bản đồ cổ, các sử liệu và đã đến tận Tràng An xem xét. Tất nhiên, sự thật thì không quá lung linh như miêu tả trong sách. Mọi người cố gắng tưởng tượng nhé. Ai có ở Ninh Bình hoặc đã đến thăm di chỉ thì có thể góp ý thêm cho tác nhé.


(*) Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi được gọi là Ngũ độc trong Phật giáo. Chúng ta thường nghe tới Tam độc nhiều hơn bởi nó áp dụng cho người thường. Tham là lòng tham, ham muốn là vơ vào mình. Sân là nỗi giận, bực mình sinh ra do lòng Tham không được thỏa mãn. Si là si mê, u mê, cơn nghiện sinh ra bởi sự Sân hận lâu ngày. Tham, Sân, Si có mối liên quan mật thiết với nhau chứ không tách rời riêng biệt.


Ví dụ: Tham tiền nhưng không thỏa mãn sẽ sinh ra bực dọc và hành động để chiếm đoạt, lâu dần sẽ thành cơn nghiện không hay.


Mạn là ngạo mạn, khinh mạn, tự mãn, tức chỉ sự coi thường kẻ khác đề cao chính mình. Đây là một thói quen xấu gây ảnh hưởng nhiều đến con đường tu tập nên từ này được dùng nhiều hơn giữa các tăng sĩ. Khi bạn tự cho mình là giỏi thì có nghĩa con đường tu hành của bạn đã dừng lại, không thể tinh tấn thêm nữa.


Nghi là nghi vấn, nghi ngờ, nghi hoặc cũng là một thói quen xấu ngăn cản con đường tu hành. Để đắc đạo bạn phải có lòng kiên định vững chắc vào con đường mình đã chọn. Nếu bạn xuất hiện lòng nghi ngờ thì có nghĩa đạo tâm của bạn bất ổn.


Nếu sự nghi ngờ quá nặng thì sẽ dẫn tới tẩu hỏa nhập ma ( trạng thái điên cuồng). Con đường thành đạo cũng chấm dứt từ đây. Càng gần đến đích, đạo tâm càng cần vững chắc, càng sợ phạm phải chữ Nghi.






Truyện liên quan