Chương 89: Vệ Vương Đinh Toàn

Sau buổi làm việc với các quần thần, Đinh Liễn ra ngoại đi dạo cho khuây khỏa, nhường lại phòng nghị sự cho các quan tự bàn bạc với nhau. Việc chính cũng đã xong, còn lại cụ thể để cho phía dưới hoàn thành. Cùng đi với hắn là ba vị Cao tăng và hai vị Đạo trưởng. Đinh Liễn cất tiếng hỏi thăm:


“Chư vị cao nhân, không biết là kế hoạch thành lập Giáo hội của Nhị môn tiến hành tới đâu rồi. Có cần Trẫm hỗ trợ gì không?”
Ba vị cao tăng nhìn qua bên Đạo môn rồi nói:


“Tâu bệ hạ. Bần tăng đã cho các đệ tử đi liên lạc với Chủ trì của các chùa khắp cả nước. Vì đường xá xa xôi nên cũng chưa thấy phản hồi. Nhưng cũng dự định là vào tiết Xuân năm sau sẽ cử hành đại hội thành lập Giáo Hội và bầu ban Chấp sự. Có điều, bần tăng cũng muốn hỏi bệ hạ. Trụ sở của giáo hội nên đặt ở nơi đâu? Ở Kinh thành hay tại Luy Lâu?”


“Luy Lâu vốn là thánh địa Phật giáo nước ta từ xưa đến nay. Lẽ ra nên đặt tổng bộ ở đó. Nhưng xưa kia tuy mang danh thánh địa lại không có tổ chức một cách thống nhất. Nay đặt ở đó theo trẫm là không hợp. Gần đây có di chỉ chùa Bái Đính. Nếu cao tăng không chê thì để cho trẫm ra tay cải tạo thành tổng bộ Giáo Hội Phật giáo Đại Cồ Việt cúng dường cho Đức Phật”.


Đại sư Pháp Thuận đại hỷ:
“Đây là công đức vô lượng. Như vậy, kính nhờ bệ hạ ra tay”.
Đinh Liễn gật đầu :


“Sau quốc tang , trẫm sẽ cho người khảo sát và lên kế hoạch. Sau đó sẽ dùng thần thông cải tạo nhằm đảm bảo kịp thời cho Giáo Hội tổ chức Đại Hội thành lập. Chư vị muốn xây dựng công trình gì thì cứ nói yêu cầu. Như điện thờ, tháp chuông, thư viện, thiền phòng, khu trai giới, khu nghỉ ngơi...có điều trẫm cũng nói trước là Trẫm chỉ có thể xây dựng tất cả bằng đá mà thôi”.




“Bệ hạ có lòng. Toàn bộ bằng đá cũng coi như là một đặc sắc có một không hai”.
Bên phía Đạo Môn, Trương Ma Ni cũng tiến tới:
“Bệ hạ. Bên phía Đạo môn cũng vậy. Dự định sang xuân thì sẽ tổ chức đại hội thành lập”.


“Ồ. Vậy nhị vị muốn xây dựng trụ sở ở đâu? Trẫm cũng sẽ hóa duyên nơi đó một tòa Đạo tràng”.


“Cảm tạ bệ hạ. Nhóm bần đạo cũng định tâu với bệ hạ việc này. Qua khảo sát, xét thấy không xa kinh thành có Tam Cốc là nơi vắng vẻ, hẻo lánh tiên khí lượn lờ nên muốn chọn nơi đây làm Đạo Tràng”.


“Đặt đạo tràng ở đây cũng có cái lợi là cùng Phật Môn bên cạnh như hai cánh tay hộ pháp cho kinh thành, trấn áp khí vận nước Việt, bảo vệ sự bình an cho bệ hạ”.


“Cảm tạ nhị vị chân nhân. Như vậy, chư vị cũng lên danh sách xem cần xây dựng công trình gì, chức năng ra sao, kích cỡ thế nào rồi gửi cho Trẫm. Trẫm sẽ hoàn thành nó trước kỳ đại hội diễn ra”.


“Nhân đây, để hoằng dương Phật - Đạo và cũng là giúp ích cho Giáo hội thêm củi dầu, mắm muối. Chùa Bái Đính và Tam Cốc đạo tràng vốn đã sở hữu cảnh đẹp tuyệt trần, trẫm muốn cải tạo chúng thành những nơi hội tụ nhân khí của cả nước để du khách thập phương đến tham quan triều bái”.


“Các dịch vụ vòng ngoài như nhà hàng, khách sạn, đi lại...đều cho dân chúng kinh doanh tạo phúc chúng sinh. Phía bên trong tiền nhang đèn, cúng dường thì do Nhà chùa và Đạo Tràng cất giữ đặng duy trì sinh hoạt cho đệ tử đồng thời làm kinh phí để xây dựng cơ sở nơi khác. Chư vị cao nhân thấy thế nào?”


Ninh Bình vốn nổi tiếng là một nơi có danh lam thắng cảnh vào loại hàng đầu của cả nước. Nơi đây có rất nhiều các dãy núi đá vôi, hang động, thung lũng, hồ nước, sông ngòi, là một nơi cực phẩm để phát triển ngành du lịch.


Kiếp trước của Đinh Liễn đã đến nơi đây tham quan rất nhiều lần. Ngoài cố đô Hoa Lư, kinh thành Tràng An còn có chùa Bái Đính, Tam Cốc Bích Động, Tuyệt tình cốc, Đầm Vân Long, Động Am Tiên và rất nhiều đền, đình, chùa, miếu...


Việc dời đô về Đại La như Lý Thái Tổ kiếp trước đã làm là cần thiết và hắn nhất định sẽ thực hiện. Nơi đó, địa hình bằng phẳng, sông ngòi hợp lưu, phong thủy bảo địa để phát triển kinh tế, chính trị, công nông nghiệp của cả nước. Tuy nhiên, hiện tại thì chưa thích hợp.


Trong vòng 20 năm tới vẫn phải sử dụng Tràng An làm kinh thành. Cho nên Đinh Liễn sẽ quy hoạch nơi đây thành trung tâm văn hóa, du lịch, dịch vụ và là nơi đặt các viện nghiên cứu khoa học, công nghệ.
Tam vị cao tăng và nhị vị chân nhân nhìn nhau một chút rồi đều đồng loạt gật đầu.


“Tu hành xưa nay có câu: tiểu tu nơi rừng núi, đại tu nơi phố thị. Đã sống trong nhân gian thì phải chấp nhận lăn lộn bụi trần. Há nào phải trốn tránh mới là chân tu. Giáo hội Phật giáo nên thuộc về nhân dân quần chúng và vì hạnh phúc của chúng sinh mà tu hành”.


“Năm xưa, Đức Phật sau khi thành Đạo cũng đã dẫn tăng đoàn đi khắp mọi nơi để giáo hóa dân chúng. Chúng ta là đệ tử của ngài, nên lấy tấm gương sáng ấy mà học tập. Bệ hạ suy nghĩ cho Phật Môn cũng rất chu toàn. Bần tăng cùng hai vị sư đệ hữu lễ”.


Văn đạo nhân cũng đại diện Đạo Môn lên tiếng:


“Tu hành vốn là tu tâm. Tâm không thanh tịnh không phải do bên ngoài ồn ào náo nhiệt mà bởi nội tâm còn vẩn đục lòng tham. Hơn nữa, Đạo Tràng cũng có ngăn cách nội ngoại nên thật ra cũng không ảnh hưởng quá nhiều. Việc kết hợp giữa phát triển đạo môn và tạo phúc chúng sinh cần được hoan nghênh. Vì vậy, đạo môn cũng đồng ý việc này. Kính nhờ bệ hạ hết thảy”.


Đinh Liễn cười hân hoan:
“Có chư vị cao nhân ủng hộ là phúc của Đinh Liễn, phúc của Đại Cồ Việt ta”.


“Còn có việc này. Viện nghiên cứu Tư tưởng sẽ được xây dựng tại ngay Thành ngoại của Hoàng Cung. Nhưng vấn đề là kinh sách không nhiều. Trong dân gian cũng không có chỉnh lý đầy đủ rõ ràng. Cho nên sắp tới chư vị nên tập hợp lại kinh sách khắp nơi để chỉnh lý.


Sắp tới, trẫm có sai phái một đoàn ngoại giao qua các nước lân bang như Đại Tống, Đại Lý, Champa, Khơ me để thông báo về quốc tang và đặt quan hệ ngoại giao cùng hợp tác. Những nơi đó cũng có rất nhiều kinh sách Phật Đạo ghi chép. Đặc biệt là ở Đại Tống. Vậy các vị cao tăng có thể cử người đi cùng. Thứ nhất là bảo hộ cho sứ đoàn. Thứ hai là thu thập kinh sách tại các nơi đó. Sau đó mang về nước ta để chỉnh lý.


Trí tuệ vốn vô biên, cần phải tham khảo nhiều kinh sách lý luận để "bỏ phế tồn tinh" đặng tìm ra con đường tu hành thích hợp cho riêng mình. Cái tốt nhất chính là cái hợp với mình.


Năm xưa, Đức Phật cũng phải học qua rất nhiều thầy, thực hành rất nhiều phương pháp tu hành sau mới ngộ Đạo. Đức Thái Thượng cũng phải chìm đắm trong thư viện mấy chục năm thì mới có một ngày bạch nhật phi thăng, tử khí đông lai tam thiên dặm. Các ngài ấy không phải là cũng đứng trên đôi vai của người khổng lồ ấy ư?”


Chư vị cao nhân ngẫm thấy vô cùng có lý nên khuôn mặt đại hỷ, đồng ý ngay.
“Như vậy, toàn bằng bệ hạ sắp xếp”.
---


Đinh Liễn tiếp tục hướng về Dưỡng Tâm Điện, mặt hơi ngẩng lên bầu trời. Hắn đến thế giới này cũng đã 7 ngày tức một tuần của thế giới cũ. Thời gian không dài nhưng quá nhiều việc cần phải xử lý.


Quốc tang của Đinh Bộ Lĩnh cũng chỉ còn hai ngày nữa là kết thúc. Hắn cũng coi như tận hiếu cha con. Sau đó, hắn chính là bắt đầu một hành trình mới của riêng mình.
Trong lòng đang cảm thán bâng quơ thì tiểu Kim đã tiến tới nói nhỏ.
“Bệ hạ. Tiểu Ngân đã trở về”.


“Ồ. Vậy hả. Nói hắn vô thư phòng gặp ta”.
“Tuân mệnh”.
-----
Thư phòng,


Tiểu Ngân quỳ xuống hành lễ. Tiểu Kim và tiểu Ngân vốn là thái giám tâm phúc của Đinh Liễn. Sau khi Đinh Liễn lên ngôi thì gọi hai người vào đây để hầu hạ. Cả tuần qua, bên cạnh Đinh Liễn chỉ có tiểu Kim. Còn tiểu Ngân thì được giao đi làm nhiệm vụ khác. Hôm nay đã trở lại Hoàng Cung để báo cáo:


“Tiểu Ngân, đứng lên đi. Thế nào, việc đó sắp xếp đã ổn thỏa rồi chứ?”
“Tâu thánh thượng. Nô tài đã hoàn thành nhiệm vụ mà người giao phó rồi ạ”.
“Ừ. Kể chi tiết Trẫm nghe xem”.


“Dạ. Ngay sau khi Dương Hậu được ban ân tuẫn táng. Nô tài đã đưa Vệ Vương di chuyển lên vùng Yên Bái. Sau đó, sắp xếp cho một đôi vợ chồng người Mường nuôi dưỡng. Nô tài đã ở gần đó giám sát thêm hai ngày mới trở về”.


“Ừ. Vệ Vương mới 5 tuổi, thêm tuổi Mụ là 6. Linh trí chưa phát triển đầy đủ. Trí nhớ cũng vì thế mà không kiện toàn. Đưa hắn lên đó cũng tốt. Coi như ta đã hoàn thành lời hứa với Dương Hậu. Không coi như nuốt lời”.


“Bệ hạ. Vệ Vương còn sống là một tai họa ngầm. Nếu bị hữu tâm nhân lợi dụng thì...Ngài quá nhân từ rồi”.


“Hazz. Nó còn là con nít mà. Xuống tay với một đứa con nít trẫm cũng không đang tâm. Với lại, trẫm đã hứa với Dương hậu là tha ch.ết cho nó. Trẫm làm vua sao có thể nuốt lời. Nếu như sau này, thật nó cũng có thể phát triển thì âu cũng là số mệnh”.


“Đặt nó trên đó cũng coi như phân tán dòng dõi Hoàng tộc. Chuyện tương lai...không biết thế nào cả. Hơn nữa, coi như trẫm để lại một sự cảnh giác cho mình và con cháu dòng dõi...”
“Bệ hạ. Ngài thật có phách lực a”.


“Được rồi. Chuyện Vệ Vương đến đây coi như có một kết thúc. Các ngươi cần biết chuyện gì nên nhớ, chuyện gì nên quên. Tiểu Kim, tiểu Ngân, hai người các ngươi sau này bên cạnh hầu hạ. Trẫm cần có những kẻ thân tín bên cạnh mới an tâm”.


“Tiểu Kim, Tiểu Ngân xin thề trọn đời phụng dưỡng bệ hạ”.
Đinh Liễn gật đầu.


Chuyện Vệ Vương như phân tích ở trên hắn không giết. Không phải là hắn quá nhân từ, cũng không phải là hắn không biết đây là tai họa ngầm. Mà hắn mới lên ngôi, cần tạo dựng uy tín trước bá quan văn võ và các thế lực. Chỉ có một Hoàng Đế biết giữ chữ tín mới làm cho những người phía dưới an tâm.


Lợi ích này hơn hẳn lợi ích khi giết Đinh Toàn. Mối họa Vệ Vương nếu có thì tương lai mới xuất hiện thua xa lợi ích hiện tại khi giữ lại. Với lại, có hệ thống Khí Vận ở đây, kẻ nào có ác ý với hắn, hắn đều sẽ biết ở đâu và là ai. Khi cần là có thể xử lý ngay lập tức.
----


P/s: Chương này coi như tạm thời lấp hố vụ Đinh Toàn. Chuyện đấu tranh cung đình vốn khốc liệt. Nếu là Đinh Liễn cũ chắc sẽ không tha cho Vệ Vương. Người đã chém giết một đứa em là Thái tử khi còn nhỏ thì giết thêm Đinh Toàn cũng không lạ gì. Nhưng đây là linh hồn Trần Trí Quang nên cách xử lý cũng sẽ khác.






Truyện liên quan