Chương 4 : Tấm màn sắt

Mười lăm ngày sau khi xảy ra vụ hai người bị giết ch.ết ở phố Xuyt-sê, một buổi sáng Đông Luy Perenna quần áo đàng hoàng, đi thăm quanh khách sạn anh ở. Đây là một công trình vững chãi và rộng lớn xây dựng từ thế kỷ XVIII ở cửa ô Xanh-Giecmanh trên quảng trường cung điện Buốc bông. Khách sạn này anh mới mua của một phú ông người Rumani, bá tước Malônetcô. Ngoài ngôi nhà, anh còn giữ lại để sử dụng: ngựa, xe ngựa, xe hơi, tám người nhà, và cả người thư ký riêng của bá tước là cô Lơvatxơ. Cô này phụ trách quản lý đám người nhà, dẫn khách vào và tiễn khách ra, tiếp đón các nhà báo, các loại thương gia bị lôi cuốn đến vì vẻ lộng lẫy của ngôi nhà, vì yêu thích sự nổi tiếng của ông chủ mới. Sau khi đã xem xét xong các chuồng ngựa và nhà xe hơi, anh đi qua sân đón khách, trở lên phòng làm việc, hé mở các cửa sổ và ngẩng đầu lên. Bên trên anh là một tấm gương đặt nghiêng. Nhìn vào gương anh thấy, phía trên sân và trên bức tường ngăn sân, là cả một phía của quảng trường cung điện Buốc-bông.


Anh lầm bầm: «Chà ! Mấy anh cảnh binh phải gió vẫn còn kia ! Hai tuần lễ rồi ! Ta chán ngấy cái việc canh gác theo dõi này rồi !".


Anh bực dọc, bắt đầu xem các giấy tờ mới đến. Cái nào chỉ là việc riêng bản thân anh thì xé bỏ. Và ghi các điểm cần thiết của những đơn từ yêu cầu sự giúp đỡ của anh, hoặc yêu cầu anh cho gặp.


Xem xong, anh bấm chuông: "Yêu cầu cô Lơvatxơ đem các báo chí cho tôi».


Trước đây cô Lơvatxơ làm nhiệm vụ đọc giấy tờ và làm thư ký cho ông bá tước người Rumani. Còn bây giờ đối với Perenna, cô đã quen với nhiệm vụ đọc anh nghe trong tất cả các báo hằng ngày, những tin tức liên quan đến Perenna, và mỗi buổi sáng, báo cáo với anh thật chính xác những tin tức về bà FAUVIN.


Cô thường mặc áo dài đen, cắt may đẹp và rất đúng thời trang. Perenna thấy có cảm tình với cô. Cô có dáng vẻ đàng hoàng, tự tôn. Nét mặt nghiêm trang trầm tư, cô sẽ trở thành quá nghiêm nghị nếu không có những làn lóc xoăn vàng hoe, xòa xuống, bao lấy khuôn mặt, thành một vòng tươi sáng vui vẻ. Tiếng nói của cô êm như điệu nhạc và dịu dàng, khiến anh rất thích nghe. Tuy nhiên anh hơi ngài ngại thấy cô Lơvatxơ có vẻ giữ kẻ với anh. Anh tự hỏi không biết cô ta nghĩ gì về anh, về cuộc sống của anh. Về những tin tức trên các báo chí nói đến cái quá khứ bí mật của anh.




«Có gì mới không ?». Anh vừa hỏi vừa lướt qua những đầu đề của các bài báo: «Chủ nghĩa Bôn-sêvich tại Hunggari; thái độ huênh hoang của Đức".


Cô đọc anh nghe những tin tức về bà Fauvin, và anh thấy về mặt này không có tiến triển gì mới. Mari-An Fauvin vẫn không thay đổi thái độ, vẫn khóc lóc phẫn uất và tỏ vẻ hoàn toàn không biết gì đến những sự việc, những câu hỏi mà người ta nêu ra.


Anh lẩm bẩm: «Thật là ngu và phi lý ! Mình chưa hề thấy ai chống đỡ một cách vụng về đến thế !»
— Nhưng nếu bà ta vô tội thật thì sao ?


Đây là lần đầu tiên cô Lơvatxơ ngỏ lời góp ý, hay đúng hơn, là cô nhận xét về vụ này. Đông Luy rất ngạc nhiên, nhìn cô: «Thế ra cô thấy bà ta vô tội sao ? Thưa cô ?»


Hình như cô sẵn sàng trả lời và giải thích lời cô nói. Thái độ thản nhiên hình như biến mất. Nét mặt như linh hoạt hẳn lên, như có cảm giác gì thúc đẩy... Nhưng như có một sức mạnh nội tâm ghìm lại, cô chỉ nói khe khẽ: «Dạ ! Tôi không biết... Tôi không có ý kiến gì».


— Có lẽ... —Anh vừa nói vừa nhìn cô, thăm dò — Có lẽ cô có một tia nghi ngờ... Tia nghi ngờ có thể được chấp nhận, nếu như không có vết răng in của bà Fauvin. Những vết răng ấy, cô thấy không ? Còn giá trị hơn là một chữ ký nhận tội, chừng nào bà ta còn chưa giải thích được một cách thỏa đáng...»


Nhưng Mari—An—Fauvin không giải thích một chút gì về vết răng cũng như về các vấn đề khác, bà ta vẫn kín như bưng. Ngoài ra cảnh sát cũng không tìm ra được người tòng phạm nào, và cũng không tìm ra cái người cầm can gỗ mun, đeo kính đồi mồi mà anh bồi bàn tiệm cà phê Tân-Kiều đã mô tả với Madơru, và là người rất đáng khả nghi. Tóm lại chưa có tia ánh sáng nào hé ra từ màn đêm tối. Đồng thời người ta cũng cố tìm kiếm mà chưa thấy anh chàng Vich-to, em họ của các bà Rut-xen, là người, nếu không có người trực hệ dòng họ Rut-xen, thì sẽ được thừa hưởng gia tài Cốtmô — Moocninhtôn.


— Chưa ! — cô Lơvatxơ đáp — Trong tờ «Tiếng vang" có một bài...
— Bài liên quan đến tôi ?
— Tôi nghĩ có lẽ có liên quan. Đầu đề bài là: «Sao chưa bắt người này ?».


— Tin đó liên quan đến tôi ư — Anh vừa cười vừa hỏi — Anh cầm tờ báo và đọc:


«Tại sao chưa bắt người này ? Tại sao cứ để tồn tại một tình trạng bất bình thường, phi lô gích, làm cho những người ngay thật phải sợ hãi ? Đấy là một câu hỏi mà bất kỳ ai cũng phải đặt ra, và chỉ cần những điều tr.a thu lượm được của chúng tôi là đủ để trả lời đúng.


Một năm sau cái ch.ết giả tạo của Acxen — Luypanh, pháp luật đã phát hiện, hay coi như phát hiện, là Acxen — Luypanh không phải ai khác, mà chính là người có tên thật là Ph‘lôrani, sinh ở B‘loa. và đã mất tích. Vì vậy tòa án đã ghi vào cuốn sổ hộ tịch trên trang của Ph‘lôrani, những dòng như sau «CHẾT" kèm theo mấy chữ «VỚI TÊN LÀ ACXEN— LUYPANH».


Cho nên bây giờ muốn làm cho Acxen — Luypanh «sống» lại, thì ngoài việc phải có bằng chứng không chối cãi được, là Acxen—Luypanh «đang sống» — một việc không phải không làm được — còn cần phải huy động nhiều bộ máy phức tạp nhất của Nhà nước, và phải có một sắc lệnh của Hội Đồng chính phủ.


Nhưng hình như ông Valăngg Lây, chủ tịch Hội Đồng, đã thống nhất với ông quận trưởng cảnh sát, cùng phản đối việc điều tr.a quá tỉ mỉ này, vì sợ sẽ gây tai tiếng bất lợi làm cho những thượng cấp có thẩm quyền phải lo ngại. "Làm sống lại Acxen — Luy-panh ? Lại phải chiến đấu chống với con người gian xảo ấy ! Để đi đến thất bại và lố bịch ! Không không ! Ngàn lần không ! Vì thế mới xảy ra cái vụ tày trời này, vụ không ai chịu nổi, không ai tưởng tượng nổi, ầm ĩ tai tiếng ! Để cho Acxen-Luypanh, tên ăn trộm không ngớt tái phạm, tên trùm kẻ cướp, tên trùm chiếm đoạt và xỏ xiên, cho cái tên Acxen-Luypanh ấy bây giờ thao túng hành động, không cần giấu diếm bí mật, mà công khai trước tai trước mắt mọi người, tiến hành một vụ việc gớm ghiếc nhất từ trước đến nay, ở một khách sạn đàng hoàng, với một cái tên giả mạo mà nó làm cho không ai nhận ra được, khử không thương tiếc bốn nhân mạng gây trở ngại cho nó, tạo những bằng chứng dối trá nhất để tống một phụ nữ vào nhà tù, để cuối cùng, mặc dù có những lời phản ứng chính đáng, cùng với bọn đồng lõa bỉ ổi ăn sống nuốt tươi cái gia tài 200 triệu của Cốtmô-Moocninhtôn.


Đấy ! Toàn bộ sự thật ghê tởm của vụ này là như thế, và đã bị lột trần. Mong rằng sự thật phơi bày này sẽ có tác động đến cách thức làm ăn của những cơ quan hữu trách."


- Ít nhất nó cũng tác động đến nhân phẩm của con người ngu ngốc đã cầm bút viết bài này - Đông Luy cười mỉa và nói.
Anh cho cô Lơvatxơ lui ra và anh gọi dây nói đến thiếu tá Đattrinhắc:


- Thưa thiếu tá ! Ngài đã đọc bài đăng ở báo Tiếng Vang ?
- Có, tôi đã đọc !
- Ngài thấy có nên dùng vũ khí để sửa cho thằng cha viết bài đó một trận không ?
- Ồ ! Một cuộc đấu kiếm ?


- Phải thế, thưa thiếu tá ! Bọn chúng cứ quấy rối tôi bằng cái giọng văn bả mía của chúng. Cần phải bịt miệng chúng lại ! Để làm gương cho những bọn xấu khác !
- Theo tôi, nếu anh kiên quyết..


- Vâng, rất kiên quyết, thưa thiếu tá !
Việc trao đổi về cuộc đấu kiếm được tiến hành ngay.


Ông chủ nhiệm tờ Tiếng vang cho biết là bài đó đánh máy, gởi đến, không ký tên và đăng lên báo không qua ông kiểm duyệt. Tuy nhiên ông hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc này, và nhận cuộc đấu kiếm.


Ba giờ chiều hôm ấy Đông Luy Perenna ra khỏi khách sạn quảng trường cung điện Buốc bông bằng ôtô. Cùng ngồi trong xe có thiếu tá Đattrinhắc, một sĩ quan nữa và một bác sĩ. Sau xe anh là một xe đầy cảnh binh của sở an ninh, đi giám sát theo dõi anh. Mọi người đến công viên «Hoàng tử». Trong khi chờ đợi địch thủ đến, thiếu tá Đattrinhắc kéo riêng Đông Luy ra một chỗ và nói: "Tôi không yêu cầu gì. Bài báo có điểm gì sai đúng đối với anh, tên thực anh là gì. Tôi không cần biết. Đối với tôi, anh là anh lính lê dương Perenna. Thế là đủ. Trong quá khứ anh đã sống ở Ma rốc. Còn trong tương lai thì tôi biết, dù việc xảy ra thế nào đi chăng nữa, thì mục đích chính của anh vẫn là phải trả thù bằng được cho Cốtmô-Moocninh tôn và bảo vệ những người thừa hưởng tài sản của ông ta. Nhưng chỉ có một điều làm tôi băn khoăn !..


— Xin thiếu tá cứ nói !
- Anh phảỉ lấy danh dự hứa với tôi là đừng giết ch.ết người kia.
- Liệt giường hai tháng, thưa thiếu tá, như thế được chưa ?
- Hai tháng nhiều quá, 15 ngày thôi.
- Tôi xin hứa !


Hai đấu thủ vào cuộc. Sang hiệp hai, ông chủ nhà báo «Tiếng vang" bị một nhát vào ngực, ngã xuống.
Thiếu tá Đattrinhăc làu bàu: "Thật là quá quắt, Perenna ! Anh đã hứa với tôi...


— Thưa thiếu tá ! Tôi vẫn giữ đúng lời hứa !


Trong khi ấy các bác sĩ khám xét vết thương. Một lát sau một người tuyên bố: "Không sao ! Chỉ cần nghỉ ngơi nhiều nhất là ba tuần lễ. Nếu chỉ sâu thêm một centimet nữa thì... hết !


Perenna lầm bầm: «Thì tôi đã dành lại đúng một centimét" !


Vẫn với xe cảnh binh đi kèm, Đông Luy quay trở về cửa ô Xanh Giecmanh. Nhưng về tới đây, xảy ra một sự kiện làm anh lo ngại và có ấn tượng khá kỳ lạ đối với bài đăng ở báo "Tiếng Vang».


Trong sân khách sạn anh thấy hai con chó nhỏ của người đánh xe ngựa, thường chúng vẫn ở đằng chuồng ngựa, bây giờ đang đùa nghịch ở đây với một cuộn dây màu đỏ. Dây lằng nhằng quấn vào khắp chỗ ở bậc thềm, ở các chậu hoa. Cuối cùng dây tuột hết còn lại cái lõi giấy, đúng lúc Đông Luy đi qua. Vô tình, anh thấy có chữ viết trên mảnh giấy gấp làm lõi, Anh nhặt lên, mở ra xem. Anh rùng mình: Ngay những dòng đầu anh đã nhận ra đó là bài đã đăng ở báo «Tiếng vang». Anh đọc tiếp, trọn vẹn cả bài đó, viết bằng bút mực, giấy kẻ ô vuông, dập xóa, có câu ghi thêm, rồi xóa, rồi viết lại.


Anh gọi người đánh xe ngựa và hỏi: «Tờ giấy gấp làm lõi cuộn dây này anh lấy ở đâu ra ?"
— Dạ, thưa ông... Ở đằng sau nhà, có lẽ... Tôi quấn dây,.. Rồi con chó Miếc-da lôi nó ra đây.


— Anh quấn cuộn dây này vào lúc nào ?
— Dạ tối hôm qua.
— À ! Tối hôm qua ? Nhưng anh lấy tờ giấy ở chỗ nào ? Nó từ đâu tới ?


— Dạ thưa ông, tôi không rõ lắm. Lúc đó tôi cần một cái gì đó làm lõi quấn dây, tôi lấy tờ giấy này trong cái thùng rác tạm ở phía sau nhà. Thường đêm khuya thì có người đến lấy rác đi.


Đông Luy tiếp tục xét hỏi. Anh, và anh nhờ cả cô Lơrvatxơ hỏi những gia nhân khác. Nhưng không rút ra được điều gì hơn. Tuy nhiên có một điều chẳc chắn là: bài đăng trên báo “Tiếng vang” đã do một người viết - tờ giấy kia là bằng chứng cụ thể — và người đó ở trong ngôi nhà này, hoặc có quan hệ với một người nào trong nhà này. Kẻ thù ở ngay tại chỗ. Nhưng kẻ thù là ai ? Hắn muốn gì ? Chỉ đơn giản muốn Perenna bị bắt thôi ư ? Suốt cả buổi chiều Đông Luy suy nghĩ về sự bí mật đang bao quanh anh. Rất bực bội vì sự bất lực của mình, nhất là vì lời dọa dẫm bắt anh. Việc bắt anh thì tất nhiên anh chẳng coi ra cái gì. Nhưng lối dọa dẫm đó làm trở ngại mọi hoạt động của anh.


Trong tình trạng bực bội nôn nóng như vậy, khoảng 10 giờ đêm anh được người nhà báo có một người xưng tên là Alếchdăng muốn được gặp anh. Người vào đúng là Madơru nhưng cải trang, mặc một áo choàng mà người bình thường khó nhận ra. Đông Luy nhảy bổ vào Madơru, vừa đẩy, vừa lắc: «A ! Cuối cùng, anh phải đến đây thật hả ? Ta đã bảo mà ! Ở quận không làm được trò trống gì nên phái anh đến tìm ta, phải không ? Nói thật đi, thằng đại ngốc ! Phải, phải ! Anh đến tìm ta... Con mụ ấy cũng buồn cười thật đấy ! ... Ta biết các anh không dại gì mà bắt ta, và tất nhiên ông quận trưởng cảnh sát cũng biết cách làm dịu cái hăng hái bốc đồng của thằng cha Vơbe đáng ghét, ừ ! Ai lại bắt một người đang rất cần dùng ! Nói đại đi ! Trời, ơi ! Sao anh cứ như thằng dở hơi thế ? Trả lời đi ! Công việc của các anh tới đâu rồi ? Nói nhanh lên ! Ta giải quyết 5 phút là xong. Chỉ cần nói 20 tiếng về cuộc điều tr.a của các anh, là ta dùng dao phẫu thuật mổ xẻ cho các anh thấy vấn đề ngay ! Nào ! Đồng hồ trong tay ta đây ! Hai phút ! Nói đi !».


Madơru cuống lên, lắp bắp: Nhưng, thưa thầy... !


— Sao ? Ta phải kéo lưỡi anh ra cho anh nói ư ? Nói đi ! Ta giải quyết ! Có phải anh muốn nói về thằng cha cầm can gỗ mun không ? Thằng cha mà người ta thấy ở tiệm cà phê Tân-Kiều hôm viên thanh tr.a Vê-rô bị ám hại ?


— Vâng, thưa thầy đúng thế !
— Các anh đã tìm ra dấu vết nó à ?
— Vâng !
— Thế thì nói tiếp đi !


— Đây, thưa thầy, thế này: Không phải chỉ có anh bồi tiệm cà phê là chú ý đến thằng cha kia, mà còn có một người khách uống nữa cũng để ý. Người khách này tôi đã tìm ra. Ông ta cho biết là khi ra khỏi tiệm cùng với người kia, nghe thấy người kia hỏi một khách qua đường: «Chỗ ga gần nhất của xe điện ngầm đi Nơi-Y».


— Đó là một điều rất hay ! Và tới Nơi-Y, hỏi tả hỏi hữu, các anh đã tìm ra người kia ?


— Vâng, và còn biết cả tên hắn ta nữa: Huy-be Lôchiê, ở phố Run. Nhưng hắn đi khỏi nơi này đã 6 tháng nay, để đồ đạc lại, chỉ mang đi hai cái hòm.
— Tin tức lấy ở bưu điện thì thế nào ?


 - Chúng tôi đã hỏi bưu điện. Một nhân viên ở đây theo nhân dạng chúng tôi báo đã nhận ra người kia. Cứ 8 đến 10 ngày hắn lại đến bưu điện một lần để nhận thư từ. Cũng không nhiều, mỗi lần chỉ một hai cái. Nhưng từ ít lâu nay không thấy hắn ta đến nữa.


- Thư từ đề tên hắn ?
— Tên viết tắt.
— Có nhớ được không ?
— Nhớ: Đ.R.W.8.
— Thế thôi à ?


— Vâng, riêng tôi chỉ nắm được thế. Nhưng một anh bạn đồng nghiệp, theo lời báo của hai cảnh binh, còn biết là đêm xảy ra hai vụ án mạng, có một người cầm can gỗ mun chuôi bạc và đeo kính đồi mồi, đã rời ga Ô-tơi vào lúc 11 giờ 45 phút và đi về Ranơlăc. Hẳn thầy cũng nhớ là bà Fauvin có mặt ở khu vực đó cũng vào giờ ấy. Và hẳn thầy không quên là vụ giết xảy ra trước nửa đêm một chút... Từ những sự việc trên, tôi kết luận...


— Thôi, đủ rồi. Phóng ngay đi !
— Nhưng...
— Phóng nước đại, như bay.
— Thế thầy trò ta không gặp nhau nữa ư ?
— Hẹn nửa giờ nữa sẽ gặp lại nhau ở nhà thằng cha kia.
— Thằng cha nào ?


— Thằng cha đồng lõa với Mari-An-Fauvin.
— Nhưng thầy chưa biết...
— Địa chỉ nó à ? Thì chính anh đã cho ta biết rồi thôi ! Đường Risa-Wanlat, số 8. Thôi, biến đi. Đừng giữ cái bộ mặt thộn ấy nữa.


Anh nắm hai vai Madơru, quay nửa vòng, đẩy ra cửa, và ấn vào tay một anh người nhà, khiến Madơru ngẩn ngơ ngơ ngẩn.


Vài phút sau anh cũng đi ra, làm cho những cảnh binh theo dõi anh phải chạy theo, anh bỏ họ trước một nhà có hai lối thông, và đáp ô tô đến Nơi-Y.
Anh đi bộ khỏi phố Madrit, sang phố Risa-Wanlat, nhắm hướng rừng Rulônhơ.


Madơru đang đợi anh trrớc một ngôi nhà nhỏ ba tầng gác ở phía cuối một cái sân có những tường cao của nhà bên cạnh bao bọc.
Đông Luy hỏi: Đúng số nhà 8 đây chứ ?
— Vâng, đúng. Nhưng xin thầy giảng cho...


— Chờ một giây. Cho ta thở cái đã !


Anh thở hít mạnh mấy cái, rồi nói: Chà ! Hoạt động ở đây mới thú làm sao ! Nói thực, ở đằng kia ta đâm bí người ra. Và đi đuổi theo cái lũ ăn cướp này mới khoái chứ ! Nào ! Anh muốn ta giảng giải hả ?


Anh khoác cánh tay anh xuống dưới cánh tay viên cai:


- Anh hãy nghe để học tập thêm: Khi người ta chọn những chữ đầu dùng làm địa chỉ cho hòm thư lưu ở bưu điện, thì hãy đinh ninh rằng không phải người ta lựa chọn ngẫu nhiên, mà bao giờ những chữ đó thường cũng có một nghĩa để cho người khác dễ nhớ được địa chỉ.


— Cụ thể ở trường hợp này ?


- Ở trường hợp này, Madơru ! Anh phải thấy ta là một người biết rõ Nơi-Y và khu lân cận của rừng Bulô-nhơ, thì tất nhiên ba chữ Đ.R.W đập ngay vào mắt ta, và nhất là chữ W là chữ nước ngoài, nước Anh. Cho nên ta nghĩ ngay ra và sắp đặt ba chữ đó vào đúng vị trí của một tên gọi gồm cả chữ Pháp, và chữ Anh. Ta thấy rõ: Đ là đường (hay phố), R và W (chữ Anh) là Risa-Wanlat (tên bằng chữ Anh). Thế là ta đi đến đây. Có thế thôi.


— Và thầy cho rằng... — Madơru nói với vẻ hoài nghi.


— Ta không "cho rằng", mà ta tìm hiểu. Trên cơ sở suy luận, ta đặt một giả thiết có khả năng là sự thực... Ta tự nhủ - ta tự nhủ, Madơru ạ ! Ta tự nhủ cái tiểu khu này là một nơi bí mật thần kì... Và cái nhà này... Im !... Nghe xem...


Anh đẩy Madơru vào một xó tối, Họ nghe thấy tiếng động, tiếng kẹt cửa.


Đúng thế. Có tiếng bước chân đi qua sân trước nhà. Ổ khóa hàng rào bên ngoài rít lên. Một người ra tới đó. Ánh đèn ở cột đèn chiếu vào giữa mặt.


Madơru rít lên khe khẽ: “Chúa Trời ! Đúng nó ! ».
— Ừ, ừ ! Có lẽ...


— Chính nó rồi ! Thưa thầy ! Kìa, thầy nhìn cái can đen và cái tay nắm bóng loáng...Và kìa ! Thầy có thấy ? Cái kính...bộ râu...Thầy giỏi thật ! Tôi chịu thầy !
— Thôi, bình tĩnh, bình tĩnh ! Chúng ta hãy đi theo hắn !


Người kia đi qua đường Risa- Wanlat và ngoặt sang phố May-Ô. Hắn đi khá nhanh, tay ngoáy can một cách nhanh nhẹn. Hắn châm điếu thuốc.


Đến đầu phố May-Ô người ấy vượt qua trạm thuế và đi vào trong thành phố Pari. Ga xe lửa ngoại vi thành phổ ở gần đó. Người ấy tới ga, vẫn có hai thầy trò Madơru bám sát, lên tàu đi Ôtơi.


Mamơru lầm bầm: «Nó hành động đúng hệt như cách đây 15 hôm. Hôm ấy người ta cũng thấy nó ở đây ».


Đến Ôtơi người ấy đi dọc theo đường thành. Độ 15 phút sau thì tới phố Xuýt sê và thoáng một cái, tới ngôi nhà đã xảy ra vụ thảm sát hai cha con Fauvin. Tới trước mặt ngôi nhà, người ấy trèo lên đường thành và đứng im lặng vài phút, nhìn về phía mặt ngôi nhà. Rồi người ấy tiếp tục đi, tới đường Muy-et và biến vào trong bóng tối của khu rừng Bulô-nhơ.


«Nào ! Vào việc ! Và hãy hăng hái lên !». Đông Luy nói và đi rảo bước.
Nhưng Madơru giữ anh lại: Thầy bảo gì ?
— Xông vào nó. Tóm cổ nó. Chúng ta những hai người. Lúc này rất thuận lợi !


— Sao ? Không thể được, thầy ạ !
— Hừ ? Sao không được ? Anh sợ à ? Để một mình ta vậy !
— Thầy ơi ! Thầy không nghĩ đến... à ?
— Nghĩ đến cái gì ?


— Vì ta không thể bắt một người nếu không có lý do !
— Lý do gì nữa ? Một thằng kẻ cướp cỡ như nó... Một tên giết người.. Còn cái lý do gì hơn nữa ?


— Đây không phải là trường hợp bất khả kháng cũng không phải trường hợp bắt quả tang, cho nên cần có một thứ... Một thứ mà tôi không có !
- Thứ gì ?
— Lệnh bắt. Tôi không có lệnh bắt.


Giọng nói của Madơru như đành chịu thúc thủ và cách trả lời thật là hài hước làm cho Đông Luy Pereana phá lên cười: «Mày không có lênh bắt ! Khổ thân mày ! Thế thì mày xem tao, tao có cần phải có lệnh bắt không ?». "


Madơru kêu lên: «Tôi không «xem» gì cả»— y vừa kêu vừa níu cánh tay Đông Luy — «ông không được động đến người ấy !».
— Nó là mẹ mày à ?
— Kia thầy ! Thưa thầy ! ...


Đông Luy cáu quá: “Cái thằng đại ngu, thậm ngu này ! Bây giờ để xổng nó thì làm sao mà tìm thấy nó được nữa ?”


— Tìm được dễ thôi ! Nó phải trở về nhà nó chứ ! Tôi báo sở cảnh sát. Họ sẽ gọi dây nói cho quận, và sáng mai...
-- Thế lỡ con chim nó biến mất ?
— Tôi không có lệnh bắt !


— Mày có muốn tao ký cho mày một cái lệnh bắt không ? Hở đồ ngu !


Nhưng Đông Luy nén giận, anh biết là mọi lý lẽ của anh sẽ gãy nát trước cái ương bướng cố chấp của viên cai. Và Madơru rất có thể chống lại anh để bảo vệ kẻ thù. Anh đành hỏi với Madơru bằng giọng nghiêm lúc: «Một thằng ngốc, với mày là hai thằng ngốc. Và có bao nhiêu người muốn làm công tác tình báo an ninh với mớ giấy lộn và với chữ ký, với lệnh bắt, với bao nhiêu cái kỳ cục nhảm nhí khác, thì có bấy nhiêu thằng ngốc. Công tác tình báo an ninh, con ơi ! Là phải dùng nắm đấm ! Nếu thấy kẻ thù là phải «đấm» ngay. Nếu không thì dễ đấm vào không khí lắm ! Ta nói đến thế thôi. Chào anh ! Ta về đi ngủ. Khi mọi việc đã xong xuôi thì gọi dây nói cho ta biết.


Anh trở về nhà, rất bực tức, không chịu nổi vì làm việc mạo hiềm mà không được tự do hành động mà phải lún theo ý chí, hay nói đúng hơn, lún theo sự mềm yếu của kẻ khác.


Nhưng sớm hôm sau, ngủ đậy, anh bị thôi thúc vì muốn biết lực lượng cảnh sát mắc kẹt như thế nào với thằng cha «can gỗ mun” và nhất là vì ý nghĩ sự giúp đỡ của anh không phải là vô ích, nên anh vội mặc quần áo. Anh tự nhủ: «Nếu ta không đến cứu viện cho họ thì thế nào họ cũng bị che mắt lừa gạt. Họ không đủ tầm cỡ để tiến hành một cuộc chiến đấu như vậy». Vừa lúc đó Madơru gọi anh ở dây nói. Anh vội đi tới một phòng nhỏ mà người chủ trước đã bố trí ở tầng gác thứ nhất, trong một hẻm tối chỉ ăn thông với văn phòng của anh. Anh bật đèn điện.


— Anh đấy hả, Alếchdăng ?
— Thưa thầy vâng. Tôi đang ở nhà hàng rượu vang gần cái nhà phố Ri-sa-Wanlat.
- Thằng cha ấy đâu ?
- Chim đang ở tổ. Đang còn kịp.
— Thế à ?


- Vâng. Hắn đã chuẩn bị vali. Sáng mai hắn phải đi xa.
- Sao biết ?
— Do chị người nhà. Chị ấy vừa tới. Chị ấy sẽ mở cửa cho chúng ta.
— Hắn ở có một mình à ?


— Vâng. Chị người nhà chỉ là lo bữa ăn cho hắn. Tối chị về nhà. Không bao giờ có ai tới nhà hắn, trừ một nữ che mạng có đến thăm hắn ba lần từ khi hắn đến ở đó. Chị người nhà không nhận mặt được người phụ nữ. Còn hắn ta, theo chị người nhà, là một bác học, suốt ngày đêm chỉ đọc sách và làm việc.


— Anh có lệnh truy nã đấy chứ ?
—Vâng, có. Công việc sắp tiến hành.
— Được ! Ta đến ngay.


— Không được đâu ! Chính ông phó Vơbe điều khiển công việc này... À ! Thầy ạ ! Chắc thầy chưa biết gì về bà Fauvin !
— Về bà Fauvin à ?
— Vâng. Đêm qua bà ta định tự sát.


— Hử ? Định tự sát à ?
Perenna kêu lên một tiếng kinh hãi, và anh rất ngạc nhiên vì anh nghe thấy hầu như đồng thời với tiếng anh kêu, một tiếng kêu khác, cứ như một tiếng vang của anh, mà ở rất gần.


Không rời ống nghe, anh quay lại. Cô Lơvatxơ đang đứng đó, cách anh mấy bước chân, mặt nhăn nhúm, tái nhợt.
Hai cặp mắt nhìn nhau. Anh vừa định hỏi thì cô đã rút lui.


Đông Luy tự hỏi: « Quái ! Sao cô ta lại nghe trộm mình nhỉ ? Mà sao lại có vẻ khiếp hãi thế nhỉ ?»


Trong máy điện thoại, Madơru tiếp tục: «Bà ta nhắc đi nhắc lại nhiều lần là sẽ tìm cách tự sát. Kể ra cũng can đảm thật !»
— Nhưng tự sát như thế nào ?


— Tôi sẽ kể thầy nghe. Người ta đang gọi tôi. Nhưng thưa thầy, nhất thiết thầy đừng đến đấy nhé !.


— Đông Luy trả lời dứt khoát: «Ta sẽ đến ! Ít nhất ta cũng phải được thấy việc bắt con mồi do chính ta tìm ra chỗ trú ngụ của nó. Nhưng anh yên tâm ! Ta không lộ mặt ra đâu !»


— Vâng, Thế thì thầy đến ngay đi. Người ta sắp xông vào công việc đấy !
— Ta đến ngay !


Đông Luy ngoắc ống nghe, quay người để ra khỏi phòng làm việc. Nhưng bỗng anh nhảy lùi lại rất mạnh, đập lưng vào bức tường phía trong. Đúng lúc anh vừa định bước qua ngưỡng cửa, có cái gì đó buông thả xuống trên đầu anh. Và anh chỉ còn kịp nhảy lùi trở lại để khỏi bị một tấm màn sắt đổ sập xuống rất nhanh rất mạnh. Chỉ chậm một giây là tấm màn sắt đổ trúng anh. Tấm màn sát sạt vào bàn tay anh. Và có lẽ chưa bao giờ anh thấy hoảng hồn về mối nguy hiểm như lần này. Sau một lúc sợ hãi thực sự, người rã rời, trí óc lộn xộn, anh lấy lại được bình tĩnh, lao vào vật cản, nhưng anh thấy ngay không thể nào vượt qua tấm màn được. Đây là một tấm kim khí nặng, không phải là những lá hay những chi tiết ghép lại, mà là một tấm nguyên khối to, nặng, dầy cứng. Trên mặt tấm sáng loáng nhưng đã hơi xạm, thời gian đã in dấu một vài vết rỉ. Bên phải bên trái, phía trên phía dưới, các mép tấm màn đều ăn sâu vào trong một khe hẹp và kín mít. Thế là anh bị cầm tù. Anh đột nhiên nổi điên lên, đấm vào tấm màn sắt, và bỗng nhớ ra cô Lơvatxơ vừa ở trong phòng làm việc của anh. Nếu cô chưa ra khỏi gian nhà, và chắc chắn là cô chưa kịp ra khỏi lúc cái màn sắt sập xuống, thì tất cô phải nghe tiếng. Chắc là cô sắp quay lại, sẽ báo động và sẽ giúp đỡ anh. Anh lắng nghe. Không thấy động tĩnh gì. Anh gọi. Không có tiếng trả lời. Tiếng đập vào tấm màn, vào tường, vào màn và dội lại. Anh có cảm tưởng là tất cả mọi người ở các nơi trong ngôi nhà, ngoài căn phòng anh bị nhốt, đều điếc cả, đều làm ngơ trước tiếng gọi của anh. Nhưng cô Lơvatxơ... Cô ta đâu ?


Anh lầm bầm: «Thế là thế nào ? Thế là nghĩa lý gì ?" Và bây giờ anh câm lặng, không cử động, không nói năng, anh lại nghĩ đến thái độ lạ lùng của cô thư ký, đến nét mặt rụng rời, đến cặp mắt thất thần của cô. Anh lại cũng tự hỏi do sự ngẫu nhiên nào đã khiến cho bộ máy bí mật hoạt động để tấm màn sắt kia rõ ràng cố ý muốn đổ sập trúng anh ?






Truyện liên quan