Chương 15 : Vơ-be trả đũa

Đông Luy kinh ngạc một lúc khá lâu. Ph’lôrăngxơ ở đây ? Ph’lôrăngxơ mà anh đã giao cho Madơru theo dõi trong toa xe lửa, làm sao lại có thể trở về đây lúc này mới là 8 giờ tối ?


Nhưng rồi anh hiểu ra ngay. Ph‘lôrăngxơ biết là bị theo dõi, đã kéo hai người đến tận ga Xanh-Lada, và cô ta chuồn xuống, đi tàu ngược chiều lại, trong khi Madơru ngây thộn vẫn theo dõi một người không có trong toa xe.


Nhưng đột nhiên anh nghĩ đến tình huống kinh khủng trước mắt: Ph’lôrăngxơ đến đây để đòi quyền thừa hưởng gia tài ! Mà theo như anh đã tuyên bố, người đến khiếu nại là hiện thân cụ thể, chắc chắn của kẻ đã gây ra bao vụ án mạng.


Anh nhảy một bước đến bên Ph‘lôrăngxơ, nắm mạnh lấy cánh tay nàng Và nói với giọng tức tối căm ghét:
— Cô đến đây làm gì ? Đến làm gì ? Tại sao không báo cho tôi biết trước ?


Ông Đetmaliông định can thiệp. Nhưng Đông Luy vẫn không buông cánh tay Ph‘lôrăngxơ, kêu lên:


—Thưa ông quận trưởng ! Xin ông nhận cho đây là một sự lầm lẫn ! Người mà chúng ta đang đợi, mà tôi đã báo với ông, không phải người này. Kẻ kia vẫn ẩn náu kín. Không thể nào cô Ph’lôrăngxơ-Lơvatxơ...




Ông quận trưởng nói với giọng nghiêm nghị:
— Tôi không có thiên kiến gì đối với cô này cả. Nhưng nhiệm vụ của tôi là phải hỏi để biết rõ vì lý do gì cô ta đến đây. Tôi sẽ không bỏ qua...


Ông kéo Ph‘lôrăngxơ ra khỏi tay Đông Luy và bảo cô ngồi xuống, ông cũng ngồi xuống trước bàn làm việc. Rõ ràng sự xuất hiện của người phụ nữ này gây ấn tượng mạnh cho ông. Một nhân vật mới, mang quyền thừa hưởng, bước vào màn kịch, đồng thời theo đúng lập luận lô gich của Đông Luy, cũng là kẻ đã phạm những tội ác, bước vào màn kịch. Do sự xuất hiện này, lập luận của Đông Luy, trở thành nổi tiếng.


Đông Luy cảm thấy rất rõ những suy nghĩ của ông quận trưởng, và từ lúc này anh luôn luôn theo dõi lời nói và hành động của ông.


Ph‘lôrăngxơ lần lượt nhìn hai người như nhận ra có điều gì rất bí mật. Mắt nàng vẫn giữ được vẻ trong sáng thường ngày. Nàng đã bỏ bộ đồ y tá, mà mặc một áo dài màu xám, đơn giản, không trang điểm, nhưng vẫn nổi bật lên thân hình duyên dáng. Cũng như thường ngày, nàng tỏ ra nghiêm trang và bình tĩnh.


Ông Đetmaliông nói với nàng: Cô trình bày đi !


Nàng đáp: Tôi không có gì để trình bày cả. Thưa ông quận trưởng, tôi đến đây để thực hiệu một nhiệm vụ công tác mà tôi không hiểu đúng được ý nghĩa.


- Cô nói sao ? Một nhiệm vụ công tác mà cô không hiểu rõ ý nghĩa ?


— Vâng, thưa ông quận trưởng, việc như thế này: có một người mà tôi hoàn toàn tin tưởng và kính trọng, đã yêu cầu tôi đưa tới ông một số giấy tờ. Những giấy tờ đó hình như có liên quan đến nội dung buổi họp ở đây hôm nay.


— Liên quan đến việc chuyển giao gia tài Cốtmô- Moocninhtôn ?
— Vâng ạ.
— Chắc cô biết là nếu trong buổi họp này không có ai khiếu nại thì sau đó việc khiếu nại nào cũng không còn hiệu lực nữa ?


— Khi tôi nhận được giấy tờ là tôi đến ngay đây.
—Sao cô không đến đây sớm hơn được một hay hai tiếng đồng hồ ?
— Tôi đi vắng. Vừa về tới nhà là tôi vội vã mang giấy tờ đến đây ngay.


Perenna hiểu ngay ra rằng do anh đã can thiệp, làm cho Ph’lôrăngxơ phải bỏ trốn, nên đã làm sai lệch kế hoạch của kẻ thù.
Ông quận trưởng hỏi tiếp:


— Như vậy là cô không biết vì lý do gì mà người ta giao cô những giấy tờ ấy ?
—Thưa không.
—Và cô cũng không biết những giấy tờ đó liên quan đến cô ra sao ?


— Thưa ông quận trưởng, những giấy tờ đó không liên quan gì đến tôi,
Ông Đetmaliông mỉm cười, mắt nhìn chằm chằm vào mắt Ph‘lôrăngxơ, và nói rất rành mạch, rõ ràng:


— Theo bức thư gửi kèm đây, thì những giấy tờ đó liên quan trực tiếp đến cô. Hình như những giấy tờ đó xác định cô là dòng dõi trực tiếp của gia đình Rutxen và do đó cô có toàn quyền thừa hưởng gia tài Cốtmô - Moocninhtôn.


— Tôi ! ?
Tiếng kêu thốt lên, đầy ngạc nhiên và phản đối. Và cô nhấn mạnh tiếp:


— Tôi ! Tôi mà có quyền thừa hưởng gia tài đó ? Thưa ông quận trưởng, tôi làm sao mà có được quyền đó ? Tôi chưa hề biết ông Cốtmô - Moocninhtôn. Sao chuyện này lại ra như thế được ? Đây chỉ là một sự lầm lẫn.


Nàng phát biểu rất hăng hái và với một thái độ chân thành rõ ràng, khiến cho chẳng riêng ông quận trưởng, mà bất kỳ ai cũng phải có ấn tượng đó là sự thật. Nhưng ông quận trưởng quên sao được những lập luận của Đông Luy và sự kết tội trước khi “kẻ kia» xuất hiện ở buổi họp này.


Ông nói: «cô đưa tôi những giấy tờ».
Nàng lấy trong sắc ra một phong bì màu xanh lơ không có dấu niêm. Trong phong bì có một số tờ giấy đã ngả màu vàng, những chỗ gấp đã sờn, mỏng, đôi chỗ đã rách.


Giữa sự im lặng tuyệt đối, ông quận trưởng xem xét kiểm tr.a rất kỹ từng tờ giấy, lật đi lật lại, dùng kính lúp soi những chữ ký và những con dấu trên các tờ, rồi nói:


— Những chữ ký và dấu đều là thật và hợp pháp.
Ph‘lôrăngxơ hỏi với giọng run run :
— Thế thì làm sao ạ ?
— Thế thì, thưa cô, tôi không thể tin được là cô không biết gì về việc này.


Ông quay sang viên chưởng khế và nói:


— Đây, tóm tắt nội dung những giấy tờ này như sau ! Gattông-Xôvơrăng là người thừa kế đứng hàng thứ tư gia tộc Cốtmô-Moocninhtôn. Như ông đã biết, Gattông-Xôvơrăng có một người anh ruột tên là Ra-un, ở bên Ac-giăng-tin. Người anh này trước khi ch.ết giao người ɖú nuôi đưa sang châu Âu đứa con nhỏ 5 tuổi. Đó là đứa con gái hoang mà ông ta thừa nhận do sự hôn phối bất hợp pháp mà sinh ra. Người vợ bất hợp pháp của ông là bà Lơvatxơ, gốc Pháp, dạy học ở Bu-nô-de. Đây là giấy khai sinh của em nhỏ. Đây là bản khai của người cha có chữ ký đầy đủ. Đây là tờ chứng nhận của người ɖú nuôi. Đây là giấy nhân chứng của ba người bạn thương nhân ở Bu-nô-de. Và đây là những giấy khai tử của ông bố và bà mẹ em bé. Tất cả những giấy tờ này đều được hợp pháp hóa mà đóng dấu lãnh sự Pháp. Nếu không có gì thay đổi, thì tôi không có lý do gì để nghi ngờ và tôi phải coi Ph‘lôrăngxơ-Lơvatxơ là con gái của ông Raun-Xôvơrăng và là cháu gọi Gattông-Xôvơrăng bằng chú ruột.


— Cháu ruột của chú Gattông-Xôvơrăng !...


Ph‘lôrăngxơ lắp bắp, đầy xúc động. Không phải xúc động vì sự gợi ý lên một người cha mà nàng không hề biết mặt. Nhưng xúc động vì nàng nghĩ đến Gattông-Xôvơrăng, người mà nàng xiết bao quý mến, lại còn có dây liên lạc họ hàng thân thiết đến thế. Nàng khóc.


Nước mắt chân thực hay nước mắt của một diễn viên biết thủ vai rất giỏi ? Những sự việc ấy bây giờ, nàng mới biết thật, hay nàng giả dối tạo ra cảm xúc như bây giờ mới biết ?


Đông Luy vừa theo dõi người phụ nữ, vừa theo dõi ông Đetmaliông, cố đoán xem ông suy nghĩ như thế nào. Và đột nhiên anh thấy việc bắt Ph’lôrăngxơ là đã được quyết định, vì đây là bắt một tên tội phạm ghê tởm nhất.


Anh cầm tay ngườiphụ nữ, và gọi: Ph‘lôrăngxơ !
Nàng ngước nhìn anh với cặp mắt đầy nước mắt và không nói năng gì. Anh nói thong thả:


— Có không biết là cô đang ở một tình huống buộc cô phải bào chữa. Muốn bào chữa được, thì cô phải hiểu những tình huống trước mắt là như thế nào. Cô Ph‘lôrăngxơ ! Do tính lô gích của những sự kiện xảy ra, nên ông quận trướng đã khẳng định là người đến đây lúc này, rõ ràng có quyền thừa hưởng gia tài, và đồng thời cũng là kẻ đã giết những người đáng được thừa hưởng trước kẻ đó. Cô đã đến đây, và đúng cô là người thừa hưởng gia tài Cốtmô-Mooc- ninhtôn.


Anh thấy Ph‘lôrăngxơ run như cầy sấy và tái xanh tái tử. Nhưng cô không có một lời, một cử chỉ phản ứng nào.
Đông Luy nói tiếp:


— Sự buộc tội đã rõ ràng và chính xác như vậy. Cô không trả lời thế nào ư ?
Nàng yên lặng một lúc lâu, rồi nói:


— Tôi không biết trả lời thế nào cả. Tất cả mọi sự việc tôi đều không hiểu nổi. Ông bảo tôi biết trả lời ra sao ? Mọi sự việc đều tối mò mò !...
Trước mặt nàng, Đông Luy run lên vì lo sợ. Anh lắp bắp:


— Thế thôi ư ?... Tức là cô nhận...
Một lát sau nàng mới khẽ đáp:
— Tôi van ông, xin ông giải thích cho tôi rõ ! Có phải ý ông muốn nói rằng: nếu tôi không trả lời thì tức là tôi nhận những lời kết tội ?


— Vâng đúng thế !
— Rồi sao nữa ?
— Rồi bị bắt, bị tù...
— Bị tù ? ?


Nàng có vẻ đau đớn tột độ. Nàng sợ hãi đến thất thần ! Nàng tưởng tượng vào tù thì tức là phải chịu những đau đớn quằn quại như Mari-An, như Gattông- Xôvơrăng. Vào tù có nghĩa là tuyệt vọng, là tủi hổ, là ch.ết... Là tất cả những cái mà Mari-An và Gattông-Xôvơrông đã trải qua và nay đến lượt nàng phải chịu...


Nỗi đau đớn vò xé nàng. Nàng rên rỉ:
— Tôi chịu không nổi ! Tôi biết là không chống đỡ nổi ... Màn đêm tối bóp nghẹt tôi... ! Chao ôi ! Nếu tôi được biết rõ và tôi hiểu được ! ...


Lại im lặng một lúc lâu. Ông Đetmaliông cúi xuống quan sát nàng một cách rất chăm chú. Cuối cùng vì thấy nàng vẫn im lặng, ông giơ tay đến chỗ bấm chuông và ấn ba lần.


Đông Luy không cử động. Anh cuống cuồng, dán mắt vào Ph‘lôrăngxơ. Trong tâm khảm anh hai luồng suy nghĩ đang vật lộn nhau: tình yêu say đắm đã làm anh tin tưởng nàng, và lý lẽ thực tế khiến anh phải nghi ngờ nàng. Vô tội ? Thủ phạm ? Anh không xác định được. Tất cả mọi việc đều buộc tội nàng. Nhưng sao anh vẫn không thể không yêu nàng ?


Vơbe bước vào cùng với một số thuộc hạ. Ông Đetmaliông nói gì với y và chỉ tay vào Ph’lôrăngxơ. Vơbe đến sát bên nàng.
Đông Luy gọi: Ph‘lôrăngxơ !


Nàng nhìn anh, nhìn Vơbe và các thuộc hạ của y và đột nhiên nàng hiểu ra ! Nàng lùi lại, loạng choạng rồi như ngây dại, bất lực, nàng ngã vào đôi cánh tay của Đông Luy.
—Ôi ! Em van anh ! Anh hãy cứu em !


Trong cử chỉ nàng thể hiện sự bị bỏ rơi tàn nhẫn, trong tiếng kêu thể hiện một tình cảnh nguy nan tuyệt vọng khiến cho người ta cảm thấy rõ ràng sự oan uổng một cách sâu sắc, khiến cho Đông Luy đột nhiên nhìn thấu rõ vấn đề. Một lòng tin vô bờ nảy nở trong anh. Những mối nghi ngờ, giữ kẻ, chần chừ, những nổi thống khổ trong anh đột nhiên tan biến dưới làn sóng dạt dào của niềm tin chắc chắn. Và anh lên tiếng:


— Không, không, thưa ông quận Trưởng ! Không phải như vậy ! Sự việc như thế này thì không thể chấp nhận được !


Anh củi xuống, ôm Ph‘lôrăngxơ trong đôi cánh tay, chặt đến nỗi không ai lôi ra nổi. Hai cặp mắt gặp nhau. Mặt anh sát mặt nàng. Anh cảm động run lên vì thấy hơi thở của nàng hổn hển, yếu đuối và hoàn toàn bất lực. Anh nói một cách say sưa, tiếng nhỏ thì thầm, chỉ đủ cho riêng nàng nghe tiếng: «Anh yêu em ! Anh yêu em !...Ôi Ph’lôrăngxơ ! Nếu em biết những dằn vặt trong nội tâm anh... Nếu em biết anh đã đau khổ bao nhiêu, và anh sung sướng biết chừng nào... ! Ôi Ph‘lôrăngxơ ! Anh yêu em !...


Ông quận trưởng ra hiệu cho Vơbe tránh xa ra, ông muốn chứng kiến sự gặp nhau đột xuất giữa hai con người bí hiểm ấy: Đông Luy-Perenna và Ph‘lôrăngxơ -Lơvatxơ.


Đông Luy gỡ đôi cánh tay Ph‘lôrăngxơ và đặt nàng ngồi lên ghế tựa. Anh đặt bàn tay lên vai nàng, mắt nhìn mắt. Anh nói:


—Ph‘lôrăngxơ ! Nếu em chưa hiểu thì tôi bắt đầu hiểu ra tất cả mọi việc, và tôi đã nhìn thấy rõ hầu như tất cả, những sự việc trong bóng tối làm em sợ hãi. Ph‘lôrăngxơ ! Hãy nghe tôi ! Cô không tự ý hành động phải không ? Có một kẻ bề trên cô, đứng đằng sau cô, chỉ đạo cho cô hành động phải không ? Và chính cô không hề biết rõ là hành động để đi tới đâu ?


— Không có ai chỉ cho tôi cả ! Thế là thế nào ? Xin anh giải thích...


— Phải, trên đời không phải cô chỉ sống một mình. Cô đã có những hành động mà theo người ta nói, là đúng, là tốt, và cô không biết hậu quả của những hành động đó ? Cô trả lời đi ! Cô có hoạt động hoàn toàn tự do không ? Cô có chịu một ảnh hưởng ngoại lai nào không ?


Ph‘lôrăngxơ như đã tỉnh táo, lấy lại được cái bình tĩnh thường ngày. Tuy nhiên câu hỏi của Đông Luy làm cô xúc cảm:
— Không ! Tôi không chịu một ảnh hưởng nào cả. Tôi nói chắc chắn như vậy.


Đông Luy hăng hái nhấn mạnh thêm:


— Không ! Không đúng thế đâu ! Cô đừng nói như vậy. Có người nào đó chế ngự cô. Cô nghĩ kỹ xem. Cô là người thừa hưởng gia tài Cốtmô-Moocninhtôn, tôi khẳng định như vậy. Gia tài đó đối với cô thì chẳng có nghĩa lý gì. Nhưng nếu có không muốn hưởng thì gia tài đó sẽ về ai ?... Có người nào sẽ có lợi hoặc tưởng rằng sẽ có lợi, nếu cô trở nên giàu có ? Tất cả vấn đề là ở đấy. Cuộc sống của cô có bị cột chặt vào cuộc sống của một kẻ khác không ? Cô có là bạn của kẻ đó không ? Cô là vị hôn thê của người đó không ?


Nàng dướn người lên, phản ứng:
— Ồ ! Không bao giờ.. Con người mà anh nói, không thể nào...
Đông Luy nổi cơn ghen, kêu lên:


- A ! Thế là cô đã thú nhận !... Như vậy là thật có một người như tôi nói ! Chà ! Tôi thề rằng thằng khốn nạn...
Anh quay sang phía ông quận trưởng, nét mặt dữ dội vì ghen tức, không cần giấu giếm. Anh nói:


— Thưa ông quận trưởng ! Chúng ta đã tới đích ! Tôi biết con đường dẫn chúng ta tới đích. Đêm nay con thú vật sẽ bị gô cổ... Chậm lắm là ngày mai...Thưa ông quận trưởng, lá thư không ký tên gửi tới ông, là do bà tu viện trưởng viết, bà tu viện trưởng phụ trách một bệnh viện ở phố Tecnơ. Ta hãy điều tr.a ngay lập tức cái bệnh viện này, thẩm vấn bà tu sĩ, đối chất với cô đây, ta sẽ tìm ra đích danh thủ phạm. Nhưng ta phải tiến hành ngay, không chậm trễ phút nào !... Nếu không thì sẽ muộn. Con thú vật sẽ chạy trốn mất !


Anh điên tiết, hùng hổ, không ai cản nổi.
Ông Đetmaliông nhận định: «Cô đây có thể cung cấp cho chúng ta…”


- Cô ấy sẽ không chịu nói. Hoặc chỉ nói khi nào con thú vật đã bị lột mặt nạ trước mặt cô ấy. Chà ! Thưa ông quận trưởng ! Tôi xin ông hãy cứ tin tôi như mọi lần trước. Những lời tiên đoán và hứa hẹn của tôi từ trước đến nay chẳng đều đã thành thực tế cả rồi đó sao ? Xin ông hãy tin tôi, thưa ông quận trưởng ! Xin ông đừng nghi ngờ ! Xin ông nhớ cho rằng bao nhiêu tội lỗi đều đã đổ lên đầu Mari-An-Fauvin và Gattông-Xôvơrăng, và họ đã ngã xuống một cách oan uổng. Chẳng lẽ pháp luật lại cũng để cho Ph’lôrăngxơ- Lơvatxơ bị oan như hai người kia sao ? Vả lại, tôi không yêu cầu thả cô ta ngay, mà chỉ yêu cầu tìm cách bảo vệ cô ấy, trong vài tiếng đồng hồ thôi ! Ông hãy giao cho phó phòng Vơbe chịu trách nhiệm về cô ấy. Và ông cho người đi theo chúng tôi. Tất cả số nhân viên ở đây và thêm một số nữa, vì đi bắt một tên hung phạm gớm ghiếc đến thế thì bao nhiêu người cũng không thừa.


Ông Đetmaliông không trả lời. Một lúc sau, ông dẫn Vơbe ra một chỗ riêng và thảo luận với y vài ba phút. Thật ra ông Đetmaliông không đồng ý lắm với yêu cầu của Đông Luy. Nhưng người ta nghe thấy Vơbe nói:


— Xin ông cứ yên tâm, thưa ông quận trưởng. Vả lại ta có mất gì đ&u mà sợ !
Thế là ông Đetmaliông nhượng bộ.


Một lát sau Đông Luy và Ph’lôrăngxơ cùng lên xe hơi với Vơbe và hai viên thanh tra. Một ôtô nữa đầy cảnh binh, cùng đi.


Ngôi nhà bệnh vỉện phố Tecnơ được bố trí cảnh binh bao vây và Vơbe đặt trung tâm chỉ huy rất chu đáo, cẩn thận.


Sau đó ông quận trưởng cũng tới. Ông được một gia nhân đưa vào phòng đợi, rồi sang đợi ở phòng tiếp khách. Bà tu viện trưởng được báo tin, đến gặp ông ngay. Trước mặt Đông Luy, Vơbe và Ph’lôrăngxơ ông không rào đón, đi vào vấn đề ngay:


  Thưa bà, đây là một lá thư mà có người đã đến quận giao cho tôi. Trong thư nói có một số giấy tờ, tài liệu liên quan đến vấn đề thừa hưởng gia tài. Sau khi điều tra, tôi được biết rằng lá thư đã mạo chữ và không ký tên, và có thể do bà đã viết, có phải như vậy không ạ ?


Với vẻ cứng rắn và cả quyết, bà tu sĩ trả lời ngay, không một chút bối rối:


— Thưa ông quận trưởng, đúng như thế. Tôi có hân hạnh được viết thư cho ông nhưng vì những lý do cũng dễ hiểu, tôi không muốn làm lộ tên tôi. Vả lại tôi nghĩ cái quan trọng đối với ông chỉ là các giấy tờ tài liệu... Nhưng ông đã tìm đến tận tôi thì tôi xin sẵn sàng để trả lời.


— Trước hết tôi xin hỏi bà: bà có biết cô này không ?


- Dạ, biết. Cách đây vài năm Ph’lôrăngxơ đã làm y tá ở bệnh viện tôi được 6 tháng. Vì tôi rất hài lòng về cô ấy, nên trước đây 8 ngày, tôi lấy cô ấy trở lại làm việc. Qua các báo chí tôi biết chuyện xảy ra với cô ấy, nên tôi bảo cô ấy đổi tên đi. Nhân viên trong nhà này đều là mới cả, cho nên ở đây là nơi đảm bảo kín đáo cho cô ấy.


— Nhưng, bà đã đọc báo chí thì tất bà biết những tội lỗi mà người ta đang quy vào cô ấy chứ ?


— Những tội lỗi ấy chả đáng để ý đến, thưa ông quận trưởng, mà ta đã hiểu rõ con người Ph’lôrăngxơ. Đà là một tâm hồn trong sáng nhất và một lương tâm cao quý nhất trong những người mà tôi đã gặp.


Ông Đetmaliông nói:
- Xin bà hãy nói về các giấy tờ tài liệu, thưa bà ! Những giấy tờ đó ở đâu ra ?


— Thưa ông quận trưởng, hôm qua tôi thấy trong phòng tôi một giấy báo có người sẵn sàng giao cho tôi những giấy tờ liên quan đến cô Ph’lôrăngxơ Lơvatxơ.
Ông Đetmaliông ngắt lời:


— Làm sao mà người ta biết được là cô ấy ở trong nhà này ?


—Tôi không rõ. Giấy báo chỉ nói gọn là giấy tờ sẽ tới Vec-xây, ở hòm thư lưu, tên người nhận là tôi, vào ngày... tức là sáng hôm nay. Người ta yêu cầu tôi không hở chuyện này với ai, và phải đưa giấy tờ cho Ph’lôrăngxơ-Lơvatxơ vào 3 giờ chiều nay, để cô ấy giao ngay cho ông quận trưởng. Người ta còn nhờ tôi gửi một bức thư cho ông cai Madơru.


— Cho viên cai Madơru ? Lạ nhỉ !


— Hình như thư này cũng nói về việc đó. Tôi rất quý Ph’lôrăngxơ. Thế là tôi gửi bức thư đi, và sáng nay tôi đi Vec-xây. Những giấy tờ đã ở đấy thật. Tôi trở về thì Ph’lôrăngxơ đi vắng. Lúc cô ấy về, khoảng 4 giờ chiều, tôi mới đưa được cho cô ấy.


— Những giấy tờ đó từ đâu gửi đến Vec-xây ?
— Từ Pari. Phong bì giấy báo mang dấu của phố Ni-en là nơi có phòng bưu điện gần đây nhất.
— Bà không lấy làm lạ vì giấy báo tự nhiên ở trong phòng bà ư ?


— Thưa ông quận trưởng, tôi cũng thấy lạ, nhưng không lạ bằng những tình tiết của vụ này.
Ông Đetmaliông quan sát sắc mặt tái mét của Ph‘lôrăngxơ và hỏi bà tu sĩ:


— Nhưng... nhưng bà thấy những sự việc xảy ra đều bắt nguồn từ đây, từ nhà này, và lại liên quan đến một người đang ở trong nhà này, thế mà bà không nghĩ rằng người này..
Bà tu viện trưởng to tiếng trả lời:


— Nghĩ rằng Ph’lôrăngxơ đã lẻn vào phòng tôi để làm một việc như thế ư ? Không, thưa ông quận trưởng, Ph’lôrăngxơ không phải con người có thể làm chuyện đó.


Ph’lôrăngxơ vẫn im lặng, nhưng nét mặt thể hiện rõ ràng sự lo lắng sợ hãi.
Đông Luy đến bên nàng và nói:


— Màn đen tối đã tan rồi, phải không, Ph’lôrăngxơ. Nó làm lộ chuyện của cô nên cô khó chịu phải không ? Ai đã đặt thư báo vào trong phòng của bà tu viện trưởng, hẳn là cô biết ? Và hẳn cô biết kẻ nào đã sắp đặt âm mưu này ?


Nàng không trả lời, lập tức ông quận trưởng nói với Vơbe:
- Ông hãy đi khám xét phòng của cô Ph’lôrăngxơ. Và thấy bà tu sĩ có ý phản đối, ông nói:


—Cần phải thế, thưa bà. Chúng tôi cần làm sáng tỏ vì lý do gì mà cô Ph’lôrăngxơ cứ nhất định giữ thái độ im lặng như vậy.


Chính Ph’lôrăngxơ dẫn lối cho Vơbe. Nhưng Vơ-be vừa đi ra thì Đông Luy kêu lên «Ông phó phòng, phải cẩn thận đấy !».
—Cẩn thận ? Tại sao ?
—Tôi không rõ. Nhưng cứ phải cẩn thận. Tôi báo trước ông như vậy.


Đông Luy nói thế, vì anh không hiểu nổi thái độ của Ph’lôrăngxơ.
Vơbe nhún vai và cùng đi ra với bà tu viện trưởng.


Ra tới phòng đợi, Vơbe lấy thêm hai người nữa. Ph’lôrăngxơ đi trước. Nàng lên gác, đi dọc hành lang mà hai bên là các phòng, rẽ ngoặt tới một hành lang khác rất hẹp. Cuối hành lang này là một cửa đi.


Phòng Ph’lôrăngxơ ở đó. Muốn mở cửa phải kéo cánh cửa ra ngoài chứ không đẩy vào trong, cô vừa lùi vừa kéo cánh cửa ra, buộc Vơbe cũng phải lùi theo. Thừa cơ đó, cô nhảy vội vào trong, đóng sập cửa lại, nhanh đến nỗi Vơbe không nắm kịp mép cánh cửa.


Vơbe giận sôi lên: «Con ranh ! Nó sẽ đốt hết giấy tờ ?
Và anh nói với bà tu sĩ:
— Phòng này có lối ra nào khác nữa không ?
— Không có.
Vơbe cố mở nhưng cửa đã đóng then và khóa.


Anh cho một người to khỏe nhất đi tới, đấm một quả, vỡ toang ván cánh cửa, Vơbe lại vượt lên, thò tay qua lỗ hổng, rút được then, vặn khóa, mở được cửa, và đi vào.


Ph’lôrăngxơ không có ở trong phòng. Một cửa sổ mở chứng tỏ nàng đã thoát đi bằng lối đó.
Anh kêu lên: “Cái số ăn mày ! Thế là nó đã tẩu thoát rồi !”


Anh quay ra phía cầu thang, hét lớn: «Hãy canh gác kỹ tất cả các lối ra. Hễ thấy nó thò ra thì còng ngay tay nó lại !»


Ông quận trưởng chạy tới, ông trao đổi với Vơbe, nắm tình hình và vào phòng của Ph’lôrăngxơ, cửa sổ mở trông xuống một cái sân nhỏ phía trong, dùng làm thoáng gió cho một số gian của ngôi nhà. Những ống máng đi dọc xuống tận dưới đất. Chắc là Ph’lôrăngxơ đã leo ống máng xuống. Phải nói cô can đảm và ý chí kiên quyết lắm mới dám chạy trốn theo kiểu ấy.


Các cảnh binh đã đón khắp ngả để bắt kẻ chạy trốn. Nhưng rồi họ phát hiện ra là, theo những vết chân ở tầng dưới nhà và tầng hầm, thì Ph’lôrăngxơ đã từ cái sân nhỏ vào một căn buồng ở dưới phòng cô ta, tức từ phòng của bà tu viện trưởng, lấy áo bà phước mặc vào, và với cải trang như vậy, đã đi thoát trước mắt những người đang tìm bắt.


Mọi người chạy ra ngoài đường. Nhưng trời đã sập tối. Làm sao mà tìm được một người ở giữa phố đông đúc thế này.


Ông quận trưởng không giấu vẻ bất mãn. Đông Luy cũng thất vọng vì sự bỏ trốn của Ph’lôrăngxơ đã làm vỡ kế hoạch của anh. Anh nhấn mạnh đến cái vụng về của Vơbe:


— Ông phó phòng, tôi đã báo trước ông rồi mà !


Đã bảo phải cẩn thận ! Thái độ của cô Lơratxơ làm ta phải cảnh giác đề phòng. Rõ ràng là cô ta biết kẻ sát nhân, và bây giờ đi tìm để hỏi nó ý kiến, và biết đâu lại chả để cứu nó, nếu nó chinh phục được cô ta. Và rồi giữa hai người đó sẽ xảy ra như thế nào ? Tên kẻ cướp khi đã lộ thì có thể làm được mọi cái.


Ông Đetmaliông hỏi thăm bà tu viện trưởng và được biết thêm trước đó tám ngày trước khi vào ẩn náu ở bệnh viện, Ph’lôrăngxơ -Lơvatxơ đã ở 48 tiếng đồng hồ tại một khách sạn nhỏ có đủ tiện nghi ở đảo Xanh Lu-y.


Một chi tiết không có gì đáng kể lắm nhưng ổng quận trưởng cũng không bỏ qua, vì ông vẫn nghi ngờ Ph’lôrăngxơ và vẫn coi việc bắt nàng có tầm hết sức quan trọng. Ông cho Vơbe và các thuộc hạ đi điều tr.a và theo dõi ngay. Đông Luy cũng đi theo phó phòng Vơ be. Tình hình điều tr.a được cũng chứng minh thêm nhận thức của ông quận trưởng. Ph’lôrăngxơ có thuê một buồng riêng ở khách sạn đảo Xanh Lu-y làm chỗ ẩu náu. Nhưng cô ấy vừa về đến nhà thì có một thằng nhỏ đã chờ ở khách sạn gặp cô ấy rồi cô ấy cùng đi ra với nó.


Mọi người mở cửa vào phòng thì thấy một gói bọc bằng báo. Mở ra là một cái áo bà phước. Như vậy là không thể lầm được. Đến chiểu tối, Vơbe tìm ra được thằng nhỏ. Nó là con một chị gác cổng trong khu đó. Hỏi nó dẫn Ph’lôrăngxơ đi đâu thì nó nhất định không nói, vì nói tức là phản bội người đàn bà đã tin cẩn nó và đã vừa hôn nó vừa khóc. Mẹ nó dỗ dành. Cha nó cho cái bạt tai. Nó khăng khăng không nói.


Dù sao thì người ta cũng kết luận Ph’lôrăngxơ chưa rời khỏi đảo hoặc vùng xung quanh đảo Xanh Lu-y.


Người ta nhẫn nại theo dõi cả buổi tối, đến khuya. Vơbe lập «đại bản doanh” trong một quán hàng. Các thuộc hạ thỉnh thoảng lại đi, lại về để báo cáo và để nhận chỉ thị mới. Ngoài ra Vơbe thường xuyên liên lạc với quận.


Đến 10 giờ rưỡi tối thì được tăng cường thêm một đội cảnh binh do ông quận Trưởng điều đến, trong đó có Madơru từ Ru-ăng trở về đang rất tức giận Ph’lôrăngxơ.


Cuộc truy tìm vẫn tiếp tục. Đông Luy gợi ý cho Vơbe phái người đi gõ cửa, hỏi nhà này nhà kia.


Đến 11 giờ đêm vẫn chẳng có kết quả gì. Đông Luy hết sức lo lắng bồn chồn. Đến quá nửa đêm một chút, một tiếng còi ré lên tập hợp tất cả mọi người ở đầu phía Tây của đảo, đầu bến Ănggiu. Tại đây có hai cảnh binh đang chờ với một nhóm người qua đường vây quanh. Họ vừa được báo tin là ở bến Hăng-ri đệ tứ cách đây một quãng, tức là ở ngoài phạm vi đảo, vừa có một xe ôtô thuê, đỗ trước cửa một nhà, người ta nghe có tiếng cãi cọ, rồi ôtô đi biến về phía Vanh-xen.


Mọi người chạy tới bến Hăngri đệ tứ. Ngôi nhà được nhận ra ngay. Ở tầng dưới là một cửa đi, trông thẳng ra vỉa hè. Họ được chị gác cổng cho biết: Cái xe tắc xi đã đỗ vài phút trước cửa nhà này, có hai người ở tầng dưới nhà đi ra: một người đàn ông vừa đi vừa kéo theo một phụ nữ. Khi cửa xe đã đóng, có tiếng đàn ông từ trong nhà kêu lên:


— Này anh lái ! Phố Xanh-Giêc manh. Các đường bên sông... rồi đường đi Vec-xây.


Nhưng những tin tức của chị gác cổng cung cấp cũngkhông chính xác. Chị này vì thấy người phụ nữ thuê buồng đó rất ít khi về, và trả tiền nhà bằng ngân phiếu ký lên Saolơ là tên đàn ông, cho nên tò mò, nghe qua bức tường ngăn hai căn phòng, nên cũng chỉ nghe được lỗ mỗ. Chị gác cổng cho biết thêm: Có lúc đã nghe thấy tiếng người đàn ông nói to; “Đi với tôi, Ph’lôrăngxơ... Tôi muốn như vậy. Sáng mai tôi sẽ đưa cô tất cả những bằng chứng là tôi vô tội. Và nếu cô vẫn không đồng ý trở thành vợ tôi thì tôi xuống tàu đi luôn. Mọi vấn đề tôi đã chuẩn bị đầy đủ”. Sau đó một lúc người đàn ông cười và nói tiếp, rất to: «Cô sợ cái gì, Ph’lôrăngxơ ? Sợ tôi giết cô chăng ? Không, không, xin cô cứ an tâm…”


Chị gác cổng chỉ nghe được thế.. Và như thế chưa đủ để đánh tan mọi lo ngại. Đông Luy nắm tay Vơbe:


— Chúng ta lên đường ! Tôi biết thằng cha ấy. Nó là con cọp. Nó có thể làm được mọi cái. Nó sẽ giết cô ta mất !
Anh kéo viên phó phòng tới hai chiếc ôtô của quận đỗ cách đó 500 mét. Nhưng Madơru cố cản:


— Ta hãy nên khám kỹ trong nhà đã. Thu thập những vết tích...
Đông Luy vừa đi nhanh hơn, vừa kêu lên:


- Cái nhà, các dấu vết... rồi sau ta sẽ vẫn thấy. Nhưng thằng cha kia.. Nó lợi đường lợi đất... Nó đem theo Ph’lôrăngxơ... và nó sẽ giết nàng.. Nó giăng cái bẫy... Chắc chắn như vậy...


Đông Luy lôi hai người đi với sức mạnh không cưỡng nổi. Tới gần hai xe, anh nói: “Lên xe đi ! Để tôi lái lấy».
Anh muốn ngồi vào ghế lái xe, nhưng Vơbe đẩy anh vào trong:


— Không cần ! Anh lái xe này rất thạo. Xe sẽ đi nhanh hơn.
Đông Luy, Vơbe và hai cảnh binh ngồi vào phía trong xe. Mudơru ngồi bên lái xe.
Đông Luy nhắc: «Đi đường Vecxây». Xe chuyển bánh. Đông Luy nói tiếp:


— Chúng ta sẽ bắt được nó... Đây là cơ hội tốt nhất. Nó đi tuy nhanh nhưng không gấp gáp lắm vì nó tin là không ai đuổi nó. A ! Thằng kẻ cướp ! Mày sẽ biết tay tao ! Lái xe ! Nhanh nữa lên ! Sao xe chở tải nặng thế này ? Chỉ cần hai người là đủ !... Madơru ! Anh xuống xe này, lên bớt xe kia ! Thế nào, ông phó phòng...


Anh ngừng hỏi, nghển đầu nhìn ra ngoài đường:
—Ồ đi đâu thế này ? Con khỉ ! Có phải đường này đâu ?... Thế này là thế nào ?...


Một tiếng cười lớn đáp lại. Đó là tiếng cười đắc thắng của Vơbe.


Đông Luy nén một câu chửi, xô mọi người định nhảy ra khỏi xe. Sáu bàn tay nắm giữ anh lại. Vơbe nắm cổ. Các cảnh binh nắm chặt hai cánh tay. Đông Luy không cựa quậy được. Xe chật cứng, anh không có thế chống chọi. Anh thấy cái lạnh của một họng súng ngắn áp vào thái dương.


Vơbe mắng:
— Đừng có giở trò ! Không thì ta bắn vỡ sọ. Ha ha ! Mày có ngờ đâu lại thế này, phải không ? Ngờ đâu đến miếng trả thù của Vơbe !
Perenna giãy giụa. Vơbe nói tiếp:


— Coi chừng đấy ! Tao đếm đây này: Một... Hai...
Đông Luy thét lớn:
— Nhưng thế này là thế nào ?
— Lệnh của ông quận trưởng. Tao vừa nhận được lúc nãy.
— Lệnh gì ?


— Lệnh giải mày về nha giam nếu Ph’lôrăngxơ trốn thoát.
— Mày có mệnh lệnh sự vụ ?
— Có mệnh lệnh sự vụ.
— Rồi sao nữa ?
— Rồi... chẳng sao... chỉ là... ra tòa thôi !


—Đồ ăn mày ! Thế là con cọp xổng mất ! Sao chúng mày ngu thế, ngu thế !
Đông Luy giận điên lên, sùi bọt mép, khi anh thấy xe tới sân nhà giam. Anh dùng sức đánh bật súng của Vơbe, đấm một cảnh binh ngã quay lơ.


Nhưng mười người xông đến. Chống cự không lại. Anh thét lớn:


—Cả lũ ngu ngốc ! Toi cơm ! Phá hoại ! Hành động thối đến thế ! Thằng kẻ cướp ở trong tầm tay, nhưng lại đi bắt một thằng vô tội ! Thằng kẻ cướp nó sẽ giết... ôi, Ph’lôrăngxơ ! Ph’lôrăngxơ !


Các đèn thắp sáng. Giữa đám cảnh binh đang giữ chặt anh, anh hoàn toàn bất lực.
Họ lôi anh di. Với một lực phi thường, anh hất đẩy mọi người, gọi Madơru va bảo, như ra lệnh:


— Madoru ! Mày chạy mau gặp ông quận trưởng. Nói ông ấy gọi dây nói ngay tới ông Va-lăng-g"lây, phải, ông Bộ trưởng, Chủ tịch Hội đồng... nói là ta muốn gặp ông ấy. Nói là tao muốn gặp ! Tao ! Cứ bảo tao là người đã tiến hành vụ Ke-de... Tên tao à ? Ông ấy biết rồi. Nếu ông ấy không nhớ thì nhắc. Đây, tên tao đây: Acxen-Luypanh. Cứ gọi, báo cái tên ấy và kèm theo câu sau đây: «Acxen-Luypanh muốn thương lượng với ông Chủ tịch Hội đồng những việc rất nghiêm trọng. Gọi ngay lập tức đi ! Nếu chậm thực hiện yêu cầu của ta mà sau này ông ấy biết thì sẽ bị kỷ luật đấy. Madơru ! Làm ngay việc ấy đi, rồi sau đó đi truy tìm vết tích thằng kẻ cướp.


Giám đốc nhà giam đã mở sổ ghi tên tù nhân. Đông Luy nói:
— Thưa ông, xin ông ghi tên tôi: ông cứ ghi là «Acxen-Luypanh”.
Ông giám đốc cười và đáp:


— Thì chính trên lệnh truy nã cũng ghi tên như vậy: «Acxen-Luypanh tức Luy-Perenna”.
Đông Luy rùng mình khi nghe câu đó. Bị bắt với tư thế Acxen-Luypanh ! Thật là cực kỳ nguy hiểm ! Anh nói: «Thế ra người ta quyết định...”.


Vơbe, đắc thắng, nói:
—Đúng ! Người ta đã quyết định dìm sừng con bò rừng xuống mà bắt, và đánh thẳng vào mặt Acxen- Luypanh. Cũng táo bạo đấy chứ ! ? Rồi mày sẽ còn thấy nhiều «pha» tuyệt vời khác !


Đông Luy không đáp. Quay lại Madaru, anh nhắc.
— Madơru ! Đi thực hiện nhiệm vụ ta vừa giao đi !


Nhưng anh rụng rời, vì nhìn kỹ thì anh thấy Madơru đang bị một số người vây quanh và giữ chặt... Và Madơru, viên cai đáng thương, đứng im lặng, không cục cựa, nước mắt ròng ròng.
Vơbe cũng tỏ ra vui vẻ hớn hở:


— Nó không làm được việc mày giao đâu ! Nó sẽ là bạn nối khố với mày, không ở xà lim thì ít nhất cũng ở nhà giam.
Đông Luy dướn người, la lên:
— Sao ? Madơru bị bắt ?


— Phái. Theo lệnh ông quận trưởng. Có mệnh lệnh sự vụ hẳn hoi.
- Lý do ?
- Đồng lõa của Acxen-Luypanh.
— Hừ, bắt Madơru, một con người trung thực nhất trên đời ?


—Ừ. Trung thực nhất ! Thế mà người ta đã thông qua nó để viết thư cho mày và nhờ nó đưa đến cho mầy. Bằng chứng là nó biết chỗ ẩn náu của mày. Và còn nhiều bằng chứng nữa. Rồi sau mày sẽ thấy, Luy- panh ! Để cho mày giải buồn !


Đông Luy lầm bầm: “Khổ thân Madơru !”. Và anh nói to:


—Đừng khóc, anh bạn ! Chẳng qua chỉ là chuyện một đêm thôi ! Rồi đây ta sẽ hành động. Vài tiếng đồng hồ nữa chúng ta sẽ được tha thoát cái ách này. Đừng khóc. Ta sẽ dành cho anh một địa vị xứng đáng hơn, danh giá hơn, nhiều tiền hơn. Ta vẫn đã nghĩ đến anh. Ta đã dự kiến đủ mọi chuyện. Mai ta sẽ được tư do. Ta sẽ đem lại cho anh địa vị đúng như ta đã hứa. Đừng khóc nữa, Madaru !


Và anh quay sang nói với Vơbe cũng như ra lệnh:


— Yêu cầu anh thay Madơru, thực hiện việc mà tôi đã giao cho hắn. Hãy bảo ông quận trưởng là tôi cần thông báo một việc tối quan trọng cho ông Chủ tịch Hội Đồng. Sau đó ngay đêm nay, anh đến Vecxây truy tìm vết tích của con cọp. Tôi biết những thành tích của anh. Tôi hoàn toàn thán phục tính dũng cảm và khẩn trương của anh. Trưa mai ta gặp nhau.


Và vẫn với tư thế người chỉ huy, anh đi theo mọi người dẫn anh vào xà lim.
Đã một giờ kém mười. Trong 50 phút qua kẻ thù đã mang Ph’lôrăngxơ đi như một con mồi không ai có thể đoạt lại được.


Cửa xà lim khóa chặt. Đông Luy suy nghĩ:
“Ông quận trưởng sẽ nhận lời, gọi dây nói cho ông Valăngg’lây. Sáng mai ông ta mới gọi dây nói. Thế là tên kẻ cướp có thêm được 8 tiếng đồng hồ ? Gay thật !».


Anh suy nghĩ thêm một lúc nữa, rồi nhún vai với dáng điệu một người chả có việc gì làm hơn là việc chờ đợi.
Anh nằm lăn ra giường và lẩm bẩm:
«Ngủ đi ! Luypanh”.






Truyện liên quan