Chương 61: Tiếp kiến Thập Đại Đô Đốc

Hoàng cung Hoa Lư,


Một đêm an bình trôi qua. Sáng sớm, hắn cùng gia quyến Hoàng Gia tiếp tục làm lễ cúng cơm trước linh đường cho Tiên Đế. Các quan chức ở các đạo cũng lần lượt trở về Kinh đô. Đinh Liễn nhân tiện gặp họ để hỏi han tình hình, động viên để ổn định nhân tâm, cũng coi như là dịp cho các quản lý cấp dưới ra mắt lãnh đạo mới.


Những quan chức này trước tới Linh đường phúng viếng khóc than tỏ lòng thương tiếc cho lãnh đạo cũ. Sau đó đến Nghị sự Phòng tham kiến chào hỏi Lãnh đạo mới.


Hiện tại, Đinh Liễn đang chuẩn bị tiếp kiến các Đô Đốc của thập đạo. Đây đều là đại tướng một phương, trước chịu sự chi phối của Lê Hoàn, nhưng nay Lê Hoàn rớt đài, khoảng trống quyền lực chợt hiện lên. Ai cũng muốn biết Đinh Liễn sẽ xử lý như thế nào, bổ sung nhân lực thế chỗ ra sao, thuộc phe phái, thế gia nào?


Thế nên cuộc gặp này cũng là một cuộc dò xét. Thứ nữa, ai trong bọn họ cũng đều muốn tiến thêm một bước, từ đó gia tộc của họ cũng nước lên, thuyền lên. Âu cũng là nhân chi bình thường.


Thật ra, trong Thập Đại Đô Đốc cũng có vài ba vị thuộc phe phái của Lê Hoàn nhưng là đại tướng biên cương nên tuy cùng phe lại không phải tùy tùng hay nhân vật tử trung. Thế nên, ngay khi về Hoàng Cung lại được các đồng nghiệp chỉ điểm nói ra sự thật thì họ cũng không vì kẻ đã ch.ết, tộc đã diệt mà đi đối nghịch với Tân Đế.




Hơn nữa, nghe đâu Đinh Liễn còn là người biết thần thông pháp thuật, bọn hắn có bị điên mới dám phản đối. Với người, bọn hắn còn dám lá mặt lá trái chứ với Thần, ngại sống lâu chăng. Tam tộc bị diệt là bài học còn sờ sờ ra đấy. Thế nên, thái độ cũng quy quy củ củ, ngoan ngoãn như miêu.


Đinh Liễn đã cho sửa lại Phòng nghị sự theo kiểu cách thế kỷ 21, mô phỏng phòng tiếp khách của các quan chức chính phủ. Chính giữa chủ vị là chiếc ghế bằng đá Long Huyết Thạch, điêu khắc như một Đài sen, ghế dựa điêu khắc hình Thánh Long rất sống động.


Phía dưới, hai bên trái phải là hai hàng ghế bằng đá Thạch Anh khắc hình tượng bách thú như hổ, báo, rắn, voi, đại bàng... Phía trước ghế đá đặt một cái bàn bằng đá, trên bàn đặt một ấm Trà và ly trà hương khói nghi ngút. Nền phòng trước kia bằng gạch nung giờ đều bị Đinh Liễn cho thay bằng nền đá nguyên khối dầy một tấc (10cm) màu trắng sáng. Tóm lại, dựa vào siêu năng lực của mình, Đinh Liễn đã cải tạo căn phòng 100% bằng đá.


Ban đầu, thập đại Đô Đốc bước vào căn phòng, đều bị choáng váng. Tất cả mọi thứ đều bằng ...đá. Họ không còn nhận ra căn phòng họ đã từng tiếp kiến Tiên Đế trước kia. Trước kia, còn cảm giác có sự cổ kính, uy nghiêm, nay thì lại cảm thấy mới mẻ, chắc chắn, đại khí.


Điều này cũng đã bắn đi một tín hiệu vô cùng rõ ràng cho bọn họ rằng Tân Đế không phải là người đơn giản. Tân Đế là người có chủ kiến, có tư duy không theo lối mòn, sắp tới sẽ có nhiều sự thay đổi, bọn họ một là phải cách tân theo, hai là về vườn làm ruộng, không có thương lượng hay cò kè mặc cả.


Cả bọn theo hướng dẫn của cung nữ vào chỗ ngồi và thưởng trà, mắt hơi liếc nhìn nhau rồi hơi cúi đầu trầm tư suy nghĩ. Đi đến vị trí này không ai ở đây là kẻ xoàng cả, tất cả đều đã thành tinh. Họ đều là những người bò ra từ đống xác ch.ết, lăn lộn trong giới quan trường đã nhiều năm, kỹ năng quan sát để thấy được những thứ không lời kiểu ý tại ngôn ngoại đã luyện rất thành thục. Thế nên, trong lòng đều cân nhắc kỹ càng mọi chuyện.


Đinh Liễn cùng tứ trụ triều đình Điền, Bặc, Cơ, Tú được Ngự lâm quân và tiểu kim hộ tống đi vào trong phòng. Thập vị đô đốc liền đứng dậy, rời ghế, bước ra giữa phòng quỳ một chân xuống bái kiến.
“Chúng thần tham kiến bệ hạ, bệ hạ vạn tuế vạn tuế, vạn vạn tuế.”


Đinh Liễn mỉm cười hài lòng. Chư vị Đô Đốc bái kiến hắn bằng lễ quân nhân ( quỳ một chân) mà không phải bằng lễ quan văn ( quỳ hai chân) tức là thể hiện sự thần phục hoàn toàn. Xem ra, mọi người đều là người thông minh, có thể lĩnh ngộ dụng ý của hắn.
“Chư vị Ái khanh bình thân”.


“Tạ ơn bệ hạ”.
Đinh Liễn bước lên chủ vị ngồi xuống rồi ra hiệu
“Bàn ghế trẫm sắp đặt là để chư vị Đô Đốc ngồi xuống, thế nên các ái khanh cứ tự nhiên”.
“Chúng thần tạ ơn bệ hạ”.
Sau một tuần trà, Đinh Liễn bắt đầu mới hỏi:


“Các vị ái khanh, tình hình biên phòng khắp nơi hiện tại như thế nào? Có vấn đề gì hay không? Từng vị lên tiếng báo cáo Trẫm nghe”.
Đô Đốc Cao Tường phụ trách quân đạo Cao Bắc Lạng lên tiếng trước:


“Hạ thần Cao Tường, phụ trách đạo Cao Bắc Lạng muối, được báo cáo. Ba năm trước, nước Nam Hán sát biên giới với đất nước chúng ta đã chính thức sát nhập vào Đại Tống. Đại đa số quan viên đã đầu hàng thần phục nhưng một số con cháu hoàng tộc của họ và một số trung thần đã chạy trốn.


Một số chạy ra đảo Hải Nam, một số vượt biển xâm nhập lãnh thổ nước ta xin tị nạn, một số theo đường bộ chạy vào đạo Cao Bắc Lạng. Các tộc trưởng dân tộc thiểu số vẫn đung đưa không ngừng, lúc thần phục bên này, lúc thần phục bên kia. Giặc cướp quy mô nhỏ cũng nổi lên tứ phía. Cho nên tình hình biên giới không được ổn định lắm.


Tình hình đạo quân do hạ thần phụ trách về toàn cục thì vẫn ổn định tuy nhiên điều kiện sinh hoạt vùng núi rất gian khổ và lương thực, dưa muối, vũ khí cũng thường xuyên hư hao không đủ. Lần này thần về đây, trước dâng nén hương thơm cho Tiên Đế, sau bái kiến bệ hạ, sau nữa...cũng muốn xin triều đình tiếp viện gấp ạ”.


Nói một hơi xong, Cao Tường mặt cũng hồng lên. Hắn sợ Đinh Liễn cho rằng hai việc trước là phụ còn đòi lương, đòi vũ khí là chính nên mới có vẻ hơi bối rối.


Đinh Liễn gật đầu, ra hiệu cho Cao Tường ngồi xuống. Một vị đô đốc khác đứng lên cất tiếng. Đó là đô đốc Lý Quốc, đạo Hải Ninh Nguyên.


“Hạ thần, Lý Quốc đô đốc đạo quân Hải Ninh Nguyên xin được báo cáo. Tình hình người dân và quan lại không phục triều Tống đã tìm đủ mọi cách xâm nhập vào lãnh thổ nước ta qua cả đường biển và đường bộ. Thần tuy có lực nhưng biên giới quá dài rộng cả hai đạo thủy bộ nên cũng khó mà kiểm soát hết. Hơn nữa, nạn hải tặc nhiều như ong cũng khiến thủy binh của chúng ta hết sức vất vả. Kính mong triều đình xem xét tăng binh chi viện ạ”.


Đinh Liễn gật đầu. Đạo Hải Ninh Nguyên bao gồm ba tỉnh thành kiếp sau là Hải Phòng, Quảng Ninh và Quảng Nguyên, phần đất mà Pháp đã cắt cho nhà Thanh thời thuộc địa. Thời này vẫn thuộc lãnh thổ của Đại Cồ Việt. Địa hình bờ biển rất dài.


Tuy thời này thủy binh của nước nhà đã rất ghê ghớm nhưng cũng không đủ sức để kiểm soát hết mọi nơi. Tình hình không khác gì Lý Quốc đã báo cáo. Nhưng Lý Quốc đòi quân chứ không đòi lương chứng tỏ tình hình buôn bán ở đây khá phồn hoa tấp nập nên tiền thu thuế cũng không ít.


“Thần đô đốc Hải Hưng Bình Đinh Sài Bơi xin báo cáo. Tình hình an ninh đạo Hải Hưng Bình khá ổn, chỉ có nạn buôn lậu muối là vẫn ngăn chặn không hết. Các cửa biển cũng được canh gác rất kỹ nên tình hình xâm nhập lãnh thổ của dân phương Bắc không nhiều lắm”.


Đinh Sài Bơi là tướng lĩnh của Hoàng Tộc, là anh họ của Đinh Liễn hắn, con trai của Định Quốc Công Đinh Điền. Để người của hoàng tộc canh gác đạo này cũng là ý của Tiên Đế bởi vùng này là vừa lúa gạo của cả nước,lại cách không xa kinh đô, cần người tin cây mà giao trọng trách. Đương nhiên, cái này cũng là ý muốn của Đinh Điền nên Đinh Sài Bơi mới có thể phụ trách một địa bàn ngon như thế này.


Tiếp theo là:
- Thần Phí Công đô đốc đạo Hà Nam Ninh tức đạo Tràng An xin được báo cáo...
- Thần Nguyễn Lặc đô đốc đạo quân Thanh Nghệ Tĩnh xin được báo cáo...
- Thần Lưu Lang đô đốc đạo quân Ninh Giang xin được báo cáo...


- Thần Đỗ Quang, đô đốc đạo Vĩnh Nguyên xin được báo cáo...
- Thần Trình Minh đô đốc đạo Hà Tuyên xin được báo cáo...
- Thần Đinh Quốc Đạt đô đốc Đại La Thành xin được báo cáo...
- Thần Đặng Hoàng, đô đốc đạo Phú Bình xin được báo cáo...


Ngồi một tiếng đồng hồ để nghe thập đại Đô Đốc báo cáo, kêu khổ, xin ăn, xin vũ khí khiến ngay cả Đinh Liễn cũng rất mệt mỏi đau đầu. Thế nhưng đây là công việc của hắn, dù khó chịu cỡ nào hắn cũng phải tập trung tinh thần lắng nghe và xử lý.


“Các ái khanh, trẫm tóm lược lại là chỗ quân của các vị đều có vấn đề đúng không? Thiếu lương, thiếu vũ khí, thiếu quân, giặc cướp, nạn dân chạy trốn , buôn lậu?”


Nghe Đinh Liễn nói thế tứ trụ cùng thập đại Đô Đốc hơi xấu hổ cúi đầu. Người ta là lãnh đạo mới chưa được mấy ngày, cha người ta còn đang nằm đó chưa an nghỉ, bọn hắn lại đem một đống phiền não ra bắt người ta xử lý. Quả là hơi quá đáng.


Nhưng bọn hắn cũng có nỗi khổ của mình, nếu không có vấn đề thì còn may, giờ không báo cáo lỡ xảy ra vấn đề bọn hắn lại phải chịu. Thôi, con không khóc thì mẹ không cho bú. Tân Đế là chủ tử của bọn hắn, không than khóc với hắn thì than khóc với ai?


Thật ra, báo cáo cũng phải có phương pháp. Không được quá tốt nhưng không được quá xấu. Luôn luôn phải có vấn đề cần cấp trên xem xét, quan tâm nhưng lại không để quá nghiêm trọng để cấp trên cho rằng mình hành sự bất lực. Nếu báo cáo quá tốt thì đồng liêu ghen ghét, chỗ ngồi có thể bị tác động sau màn để thay đi.


Nếu quá xấu thì con mắt của Hoàng Đế và Triều đình sẽ chăm chú vào đó điều tra, tìm hiểu lúc ấy chỗ ngồi cũng dễ bị thay thế. Nếu chưa có chỗ nào khác tốt hơn thì nên cố gắng mà giữ vị trí cũ.


Nhưng không thể báo cáo láo mà phải dựa trên sự thật mà thêm mắm dặm muối hoặc nói giảm nói tránh tùy theo trường hợp và ý muốn của bản thân. Đây là kỹ năng cơ bản khi làm quan trong thời phong kiến.
“Tiểu Kim. Cho mời Quan thủ kho Lương Ngọc đến đây ta cần hỏi”.


“Dạ. Kính xin bệ hạ chờ một lát ạ”.
“Trong lúc chờ đợi, các vị ái khanh mau mau dùng trà. Mấy khi về tới kinh đô đâu”.
“Vâng. Chúng thần tạ ơn bệ hạ”.
“Tứ trụ. Các ông cũng đều nghe rồi. Các ông thấy sao ?”
Lúc này Định Quốc Công Đinh Điền lên tiếng trước:


“Muôn tâu bệ hạ. Dù thần chưa biết quan coi kho báo cáo thế nào nhưng thần e là không đủ để chi viện cho tất cả các nơi. Lương thực còn có thể lo một chút vì vụ thu đông sắp được gặt. Năm nay lại không mất mùa nên tình hình thu thuế có khả quan.


Nhưng vũ khí thì căng thẳng bởi chúng ta phụ thuộc vào tình hình buôn bán với Champa và đại Tống. Champa mới đánh với chúng ta không lâu nên tình hình qua lại cũng hạn chế. Nhà Tống cũng chưa yên ổn và nạn giặc cướp cùng di dân phức tạp nên đã cản trở nguồn nhập sắt của chúng ta.


Về bính lính thì có thể kéo một số trai tráng các làng đi lính. Sau vụ mùa mọi nhà đều có thời gian rảnh nên dễ tuyển quân hơn nhưng đến vụ mùa xuân hè lại phải nhả quân về các địa phương để làm nông. Theo lý thuyết thì mỗi đạo quân biên chế 10.000 binh lính nhưng bình thường số quân phục vụ chỉ tầm 3.000. Nguyên nhân là bởi chúng ta nuôi không nổi”.


--------






Truyện liên quan